Huyện Sốp Cộp (Sơn La): Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Sốp Cộp (Sơn La) đã và đang tích cực đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho nông dân.


Trung tâm xã Mường Và, huyện Sốp Cộp

Bà Tòng Thị Kiên, Phó Chủ tịch UBND huyện, thông tin: Huyện đã xây dựng Đề án “Phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030”. Xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp phát triển du lịch phù hợp, nhằm phát huy tài nguyên du lịch, tiềm năng lợi thế của huyện. Đặc biệt, xây dựng mô hình du lịch nông thôn tại bản Mường Và, xã Mường Và, trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, hấp dẫn, chuyên nghiệp, thu hút khách du lịch, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Bản Mường Và có tài nguyên rừng khá phong phú, với độ che phủ khoảng 42%. Có dãy núi “Pu Hong Lớk” chạy dài sau bản, phù hợp  phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm, như: làm nương rẫy, đào măng, trồng cây ăn quả, du lịch cắm trại nghỉ dưỡng. Cánh đồng “Tổng Na Coỏng Mương” và dòng suối “Nậm Ca” bao quanh bản thích hợp với mô hình du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Nguồn nước mặt tự nhiên tạo ra hệ thống ao, hồ, đầm phù hợp phát triển mô hình du lịch gắn với nuôi trồng thủy sản, sinh thái trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt của nông dân.

Bên cạnh đó, bản có di tích kiến trúc nghệ thuật tháp Mường Và được xây dựng khoảng 400 năm trước trên ngọn đồi nhân tạo cao khoảng 15m so với mặt bằng xung quanh; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia năm 1998.

Ngoài ra, xã Mường Và có 121 ha cam, tập trung ở các bản Nà Mòn, Nà Một, Nghè Vèn, chủ yếu là giống cam địa phương và cam V2, có chất lượng quả thơm ngon. Đồng thời là địa phương cấy lúa nếp tan lớn nhất huyện, với hơn 200 ha. Loại gạo này có độ dẻo, vị thơm ngon, hấp dẫn, được chọn là một trong 20 sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La năm 2019.

Chị Lò Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Mường Và, cho biết: Cùng với hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; vận động các hộ liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, xã đã đưa sản phẩm cam đến các hội chợ thương mại do huyện tổ chức; liên hệ với các cửa hàng quảng cáo để thiết kế vỏ hộp đựng sản phẩm, nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam đến nhiều người tiêu dùng trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm hái quả tại các vườn cam ở bản Nà Mòn và gặt lúa trên cánh đồng của bản Mường Và… Mỗi năm, xã thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Các địa phương khác trong huyện cũng có tiềm năng thu hút du lịch nông thôn, như: Mường Lèo, Nậm Lạnh… đều tổ chức những hoạt động du lịch trải nghiệm chăm sóc, hái quả, chăn thả gia súc… phục vụ du khách.

Riêng xã Mường Lèo có độ cao trung bình trên 1.200m, nổi tiếng với vẻ đẹp của những cánh rừng hùng vĩ, cùng với hệ thống hang động ở bản Mạt, con suối Nậm Pừn nhiều tầng thác nước tuyệt đẹp, suối khoáng nóng ở bản Liềng, cánh đồng cỏ thuộc bãi chăn thả của bản Huổi Luông, đang thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Anh Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, thông tin: Tuyến đường từ trung tâm huyện đến xã đã được đầu tư xây dựng kiên cố và sẽ được đấu nối với tuyến đường sang huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, trong thời gian tới sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển du lịch. Xã được chọn trồng 400ha cây mắc ca làm vùng nguyên liệu tại bản Sam Quảng, khi triển khai, khu vực này sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách, bởi địa hình trùng điệp liền kề với cánh đồng cỏ thuộc bản Huổi Luông… Tuy nhiên, hiện trạng những điểm đến của xã vẫn còn sơ khai, rất cần sự đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Khai thác tiềm năng, lợi thế, huyện Sốp Cộp đang đưa ra các giải pháp để phát triển sản phẩm du lịch, hướng cộng đồng vào các hoạt động du lịch gắn với phát triển sinh kế. Đồng thời, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nổi bật riêng có của địa phương, thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ môi trường và tài nguyên du lịch… góp phần thực hiện hiệu quả việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn trên địa bàn.

Bài, ảnh: Huyền Trang

Báo Sơn La Online – baosonla.org.vn