Huyện Long Mỹ – Hậu Giang: Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống địa phương. Để giữ vững thương hiệu, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Nhân công lao động đang rải phân cánh đồng lúa được trồng theo đơn đặt hàng của HTX Thuận Lợi

Năm 2023, dù đứng trước những khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu nhưng ngành nông nghiệp huyện tập trung chỉ đạo các trạm trực thuộc và phối hợp các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn đưa ra nhiều giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện đạt và vượt kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND huyện giao.

Với địa bàn huyện chủ yếu sản phẩm nông nghiệp là chính, cho nên huyện luôn chú trọng đến chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Thông qua chương trình OCOP, đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Sản phẩm OCOP tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu kinh tế theo hướng liên kết.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Trong nông nghiệp, huyện tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay huyện tập trung vào chất lượng các sản phẩm OCOP, đẩy mạnh liên kết để đưa sản phẩm ra thị trường một cách tốt nhất.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã (HTX) Thuận Lợi, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, cho hay: Trong năm nay, HTX đã có thêm 21 thành viên tham gia, nâng tổng số thành viên của HTX đến nay lên 122, với tổng diện tích trồng lúa 490ha, trong đó có mã số vùng trồng là 117ha. Trong số diện tích trồng lúa, HTX đã có 50ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện nay đang sản xuất theo đơn đặt hàng và số còn lại sản xuất lúa hàng hóa. Để nâng cao thu nhập cho thành viên, HTX có liên kết với Công ty NGER FAM cung cấp 500 tấn lúa Jasmine 85. So với sản xuất lúa hàng hóa thì sản xuất theo chuẩn và có liên kết đầu ra giúp người dân bán lúa cao hơn lúa hàng hóa từ 300-500 đồng. HTX đã được công nhận một sản phẩm gạo trắng Jasmine đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. HTX luôn tập trung sản xuất đúng theo tiêu chuẩn để đủ sức cạnh tranh với thị trường và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Còn ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX mãng cầu xiêm Thuận Hòa, cho biết: Sản phẩm mãng cầu xiêm Thuận Hòa đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trong HTX có 2 thành viên có công ty sản xuất trà mãng cầu cung cấp cho thị trường là Phụng Phát và Diễm Phương. Hiện tại, mỗi năm HTX cung cấp cho thị trường 400 tấn trái. Vùng trồng mãng cầu của HTX có 56ha, trong đó có 8ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Tiếp tục giữ thương hiệu và nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn gắn với thực hiện chương trình OCOP cho các chủ thể. Chú trọng các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, kỹ năng về thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể về việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng, giá trị và thương hiệu của sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ phát triển các sản phẩm mới. Tăng cường tuyên truyền quảng bá sản phẩm.

Ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, cho biết: Trong năm 2024, huyện Long Mỹ phấn đấu xây dựng ngành nông nghiệp huyện phát triển bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao thông qua các mô hình HTX nông nghiệp, từng bước hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trước thiên tai, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt cao hơn, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu lại nông nghiệp của huyện hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm. Xây dựng đạt thêm các tiêu chí nông thôn mới nâng cao của xã Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông, Thuận Hòa.

Ước cuối năm 2023, huyện Long Mỹ có 26 sản phẩm OCOP, trong đó có 8 sản phẩm 4 sao và 18 sản phẩm 3 sao. Một số sản phẩm OCOP được công nhận và tái công nhận trong năm 2023 như gạo thơm trắng Jasmine Thuận Lợi, gạo sạch Lộc Phát, gạo sạch của HTX Danh Tiến, trà mãng cầu Thuận Hòa, khô trâu Tàu Lùng, chả giò lươn, chả lụa, nón lục bình.

Bài, ảnh: T.Xoàn

Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn