Làng nghề, làng nghề truyền thống là khu vực sản xuất có những đóng góp quan trọng tạo thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn vừa chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề, làng nghề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội ở nông thôn theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Thợ dệt khăn choàng tại Làng nghề dệt choàng Long Khánh A, huyện Hồng Ngự (Ảnh: Mỹ Lý)
Tạo đòn bẩy phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống
Với tầm quan trọng đó, UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2030 nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề, làng nghề truyền thống. Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình OCOP, từng bước thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, truyền thống, phát triển kinh tế – xã hội nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Với những giải pháp đồng bộ sát tình hình thực tế, việc bảo tồn và phát triển làng nghề mang lại nhiều kết quả nổi bật trong năm 2023. Để giữ lửa cho làng nghề, làng nghề truyền thống, thời gian qua, các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú về chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về bảo tồn và phát triển làng nghề, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, công tác khuyến khích phát triển công nghiệp, sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tiết kiệm, đặc biệt là những cách làm hay, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, giới thiệu sâu rộng làng nghề, làng nghề truyền thống của tỉnh đến người dân, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhất là những thế hệ trẻ.
Trong năm 2023, ngành lao động – thương binh và xã hội phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long mở 2 lớp bồi dưỡng kỹ năng dạy học cho 77 đối tượng là người lao động tại doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ lành nghề, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề phục vụ cho việc bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh. Tổ chức 35 lớp dạy nghề với hơn 1.000 học viên để đào tạo nhân lực trực tiếp cho các làng nghề tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối, đan thảm lau chân, sửa kiểng bonsai…
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, trong năm 2023, tỉnh hỗ trợ 29 đơn vị đầu tư máy móc, thiết bị mới vào sản xuất cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn từ Chương trình Khuyến công với tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng. Trong đó, có 2 hộ kinh doanh thuộc Làng nghề truyền thống sản xuất bột Sa Đéc được hỗ trợ với kinh phí trên 237 triệu đồng. Trong năm 2023, tỉnh có thêm 6 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; hỗ trợ 17 sản phẩm đạt danh hiệu công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.
Thông qua các chính sách hỗ trợ cơ sở hoạt động trong làng nghề chuẩn hóa sản phẩm nâng cao giá trị sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP. Đến nay, có 9/39 làng nghề, làng nghề có sản phẩm OCOP. Đồng thời thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cũng như thực hiện quản lý và khai thác các quyền sở hữu công nghiệp được cấp văn bằng bảo hộ; hỗ trợ về thiết kế nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và áp dụng hệ thống quản lý ISO.
Chắp cánh đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, các ngành hữu quan hỗ trợ xây dựng Website thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất thuộc các làng nghề, làng nghề truyền thống tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa sản phẩm. Ngoài ra, tạo điều kiện cho các đơn vị cơ sở hoạt động làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm giới thiệu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2023, tỉnh tổ chức xét công nhận 1 nghề truyền thống (nghề làm nem Lai Vung) của huyện Lai Vung, 1 làng nghề (đan các sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình) của huyện Cao Lãnh. Việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống góp phần tôn vinh giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn gìn giữ nét đẹp, di sản văn hóa truyền thống của địa phương.
Phục dựng thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên – Lấp Vò – Đồng Tháp” (Ảnh: Nhật Khánh)
Bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch
Thực hiện kế hoạch bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức trưng bày sản phẩm, triển lãm hình ảnh, trình diễn thực hành nghề, không gian làng nghề thủ công truyền thống phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch, lễ hội.
Đáng chú ý, các địa phương sáng tạo, chủ động trong kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch. Tạo điểm nhấn cho làng nghề dệt chiếu, năm 2023, UBND huyện Lấp Vò ra mắt sản phẩm văn hóa – du lịch “Chợ ma” Định Yên nhằm khơi dậy giá trị truyền thống, nét đặc sắc riêng mang giá trị văn hóa của địa phương. Điều này tạo động lực cho sự phát triển kinh tế nông thôn qua bảo tồn và khôi phục làng nghề dệt chiếu thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Nghề đóng xuồng, ghe xã Long Hậu – Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia được huyện Lai Vung đưa vào bản đồ số Du lịch Lai Vung tại địa chỉ tên miền: http://laivung.travel. Bằng tư duy sáng tạo, người dân làng nghề đã “thu nhỏ” ghe xuồng thành sản phẩm quà tặng lưu niệm, tạo sức hút lớn với thị trường. Hiện có 2 cơ sở thủ công mỹ nghệ sản xuất xuồng ghe thu nhỏ làm quà tặng cung cấp cho khách tham quan làng nghề và thực hiện theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài nước.
Hàng năm, tổ chức kiểm kê các nghề thủ công truyền thống đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh; tổ chức sưu tầm, tư liệu hóa, truyền dạy, trình diễn thực hành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nghề thủ công truyền thống để phục vụ du khách tìm hiểu, nghiên cứu. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng lập hồ sơ khoa học tham mưu UBND tỉnh trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề dệt choàng xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự; Nghề làm nem Lai Vung, huyện Lai Vung vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia và được công nhận năm 2023.
Từ những kết quả nổi bật trên, Đồng Tháp làm tốt công tác duy trì phát triển các làng nghề. Hiện, toàn tỉnh có 41 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được công nhận theo quy định. Trong đó, có 1 nghề truyền thống, 22 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống với các sản phẩm khá đa dạng tập trung chủ yếu vào 5 nhóm: chế biến và bảo quản nông, lâm thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.
Theo thống kê, số cơ sở sản xuất kinh doanh trong các nghề, làng nghề khoảng 4.600 cơ sở với 14.900 lao động, trong đó có 12.300 lao động thường xuyên, chiếm 82,37%. Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 91.747,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân 3,43 triệu đồng/lao động/tháng. Nhóm sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có thu nhập cao nhất 8 triệu đồng/lao động/tháng, nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thu nhập thấp nhất 1,9 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, các làng nghề, làng nghề truyền thống vẫn đang không ngừng đổi mới, chuyển mình phát triển đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
N.H
Báo Đồng Tháp – baodongthap.vn