Bình Dương: Nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)

Sáng 19/12, tại TP. Thủ Dầu Một, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

Tham dự có đại diện các sở, ngành liên quan và các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tại địa phương. 

Chương trình OCOP tại Bình Dương phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.

Sau gần 05 năm triển khai, đến nay, Bình Dương đã công nhận 103 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; trong đó, có 10 sản phẩm 4 sao và 93 sản phẩm 3 sao cho 49 chủ thể, gồm 15 doanh nghiệp, 11 hợp tác xã, 6 trang trại, 01 tổ hợp tác và 16 cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh. 

Có nhiều sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng và doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.


Toàn cảnh hội nghị

Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân. Qua Chương trình OCOP đã phát hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo bứt phá đi lên, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Tâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, vì vậy các sản phẩm tham gia Chương trình không ngừng được hoàn thiện, nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã, bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian tới, các đơn vị liên quan của tỉnh cần thực hiện lồng ghép các hoạt động hỗ trợ Chương trình OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm truyền thống, đặc sản của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn chủ thể thực hiện; chú trọng nâng cấp sản phẩm hiện có, không chạy theo số lượng, sản xuất phải lấy thị trường làm mục tiêu phát triển.


Ông Lê Thanh Tâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị

Hội nghị cũng đã được nghe TS. Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về Chương trình OCOP; phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hỗ trợ quảng bá, nâng cao chất lượng, thương hiệu OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ; hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, chia sẻ cách làm tốt, mô hình hay của các tỉnh đã triển khai thành công Chương trình OCOP.


 TS. Ngô Thị Thu Trang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn – Saemaul Undong trình bày tại hội nghị

Đoan Trang
Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương – binhduong.gov.vn