Chị Vân là cô giáo mầm non. Năm 2015, trường học nơi chị công tác phát động các thầy cô trong trường tạo các tác phẩm nghệ thuật dự thi. Chị Vân đã lên mạng internet học hỏi, tìm tòi cách làm tranh bằng gạo. Tác phẩm đầu tay độc đáo, đẹp mắt và được giải thưởng cao.
Từ khởi điểm đó, năm 2016 chị Vân tiếp tục làm hai bức tranh gạo với chủ đề Làng Sen quê Bác và Tượng đài Thánh Gióng tham dự các cuộc thi. Cả hai tác phẩm đoạt giải Nhất cấp thành phố Hà Nội và giải Ba cấp quốc gia. Bắt đầu từ giai đoạn này nhiều người thân, quen đã đặt chị Vân làm tranh gạo để trưng bày, làm quà biếu tặng.
Dần dà ngày càng nhiều người yêu thích, biết đến tranh gạo, số lượng đơn đặt hàng cứ tăng dần lên. Không chỉ người thân quen mà nhiều khách trong, ngoài nước cũng tìm đến chỗ chị đặt hàng. Chị Vân quyết định mở xưởng làm tranh gạo và đặt tên là xưởng sản xuất tranh gạo Vân Quân.
Chị Vân chia sẻ, để tạo ra những bức tranh gạo độc đáo, trước khi làm tranh gạo được tuyển chọn rất kỹ. Chúng tôi chủ yếu chọn gạo có nguồn gốc ở phía nam với đặc điểm thon dài, hạt nhỏ và đều, hạn chế những khe hở khi làm tranh. Tiếp đến, gạo được đưa đi đánh bóng loại bỏ cám.
Để có những gam màu như ý tôi đã thử nghiệm rang gạo với nhiều mức nhiệt, tạo ra các màu đa dạng. Hiện, chúng tôi tạo ra được 42 gam màu gạo. Để có được gam màu ngả vàng, tôi rang gạo trong khoảng thời gian 30 phút. Muốn tạo màu nâu đen, gạo cần rang trên lửa trong 6 giờ. Mầu đen sậm phải rang tới 7-8 giờ. Sau khi rang xong, gạo được chia theo từng màu để đợi lên tranh.
Để làm tranh, gạo được liên kết trên nền những tấm gỗ bằng keo sữa. Người thợ phải rất kiên trì, tỷ mỉ, xếp từng hạt gạo cho tới khi ghép lại thành một bức tranh hoàn thiện. Bí quyết để có bức tranh gạo đẹp là không được dùng phẩm màu pha trộn tạo màu cho gạo, khi dùng phẩm màu gạo dễ bị mốc, nhanh phai màu.
Chị Nguyễn Thị Vân
Hầu hết chủ đề của những bức tranh do chị Vân sáng tạo đều mô tả về danh lam thắng cảnh, làng quê Việt Nam, tình cảm gia đình, truyền thống tôn sư trọng đạo, tình yêu lao động, các di tích lịch sử-văn hóa. Những tác phẩm tranh gạo của chị Vân được nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị lựa chọn đặt mua để làm quà tặng. Nhiều khách nước ngoài còn đến tận xưởng tranh của chị Vân đặt hàng, thậm chí đặt vấn đề hợp tác để đưa phẩm về nước bạn tiêu thụ.
Theo Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tranh gạo Vân Quân được tạo nên từ ý tưởng sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa rất độc đáo. Sự tỉ mỉ cẩn thận chăm chút cho từng bức tranh của người thợ đã mang lại cho sản phẩm tranh gạo Vân Quân nét khác biệt. Ngoài khía cạnh phát triển kinh tế nông thôn, tranh gạo còn thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, là phương thức để quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.
Với đôi tay tài hoa và tư duy kinh doanh sắc bén, niềm đam mê làm tranh gạo của chị Vân đã lan tỏa đến các thành viên trong gia đình. Giờ đây, chồng và các con chị đều yêu thích việc làm tranh. Bên cạnh đó, xưởng tranh còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương theo hình thức khoán sản phẩm. Thường ngày, xưởng tranh của chị Vân thuê từ 3-4 lao động làm việc, cao điểm những ngày lễ tết phải thuê đến hơn 10 nhân công.
Bình quân một tháng, xưởng tranh cung cấp cho thị trường khoảng 100 bức tranh với các kích cỡ khác nhau. Giá bán mỗi bức tranh kích có thước 15x20cm hiện là 250 nghìn đồng/bức, đây là loại tranh nhỏ nhất của xưởng. Nhiều bức tranh to, phải làm công phu, tỉ mỉ giá bán lên tới vài chục triệu đồng mỗi bức.
Năm 2021, 4 sản phẩm tranh gạo xưởng Vân Quân đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao, gồm có: tranh phong cảnh gạo, tranh chữ thư pháp gạo rang, tranh chân dung gạo rang, tranh chân dung gạo màu.
Anh Nguyễn Đắc Quân, chồng chị Vân chia sẻ: “Khi tham gia vào chương trình OCOP, tranh gạo ngày càng được người tiêu dùng biết đến, chúng tôi được hỗ trợ tham dự các buổi triển lãm, hội chợ để quảng bá, trưng bày, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến khách hàng. Nhờ đó, bên cạnh khách hàng lẻ, nhiều đối tác đã tìm đến để hợp tác phát triển sản phẩm. Chúng tôi mong muốn thời gian tới tiếp tục được cơ quan chức năng hỗ trợ quảng bá, tham dự các hội chợ, tuần hàng để sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn”.
Anh Thư
Báo Nhân dân – nhandan.vn