Hình minh họa
Du lịch hiện đang là một ngành kinh tế quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển hiệu quả du lịch bền vững.
Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển du lịch Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; cũng là cơ hội lớn cho du lịch các tỉnh Tây Bắc phát huy mọi tiềm năng phát triển du lịch nhanh và bền vững hơn.
Với các tỉnh khu vực Tây Bắc, du lịch không chỉ hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là “cầu nối” để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương, tạo nên điểm nhấn trong bức tranh du lịch cả nước.
Để du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, 8 tỉnh trong khu vực đã xây dựng các sản phẩm du lịch mang dấu ấn, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn khác biệt đối với du khách, dựa trên các thế mạnh nổi trội của từng địa phương.
Từ năm 2010, các tỉnh Tây Bắc có chương trình hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh Tây Bắc đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách thăm quan, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng.
Như tại Lào Cai, đã xây dựng nên một “hệ sinh thái du lịch cộng đồng” khá bài bản. Với trên 20 tuyến du lịch cộng đồng, các điểm du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã thu hút trên 1 triệu lượt khách mỗi năm, mang đến thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu/hộ/năm.
Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc đang xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách…
Trong tháng 9 năm 2023, các tỉnh Tây Bắc đã công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023 gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc’ và Ngược dòng sông Đà về miền ký ức câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”.
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho đồng bào.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC), du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua những du lịch phục vụ du khách đến trải nghiệm như lưu trú, hướng dẫn viên, kinh doanh ẩm thực, sản xuất và kinh doanh đặc sản và quà lưu niệm của địa phương…giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương, việc phát triển du lịch cộng đồng còn chạy theo phong trào, chưa tạo được sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thể số và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường…
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.
Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng cần phải đúng vai trò, trách nhiệm và tất cả chính quyền các sở, ban, ngành cũng như địa phương phải chung tay để thấy sự cần thiết của một tiêu chí quốc gia về phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó chúng ta phân vai, nhiệm vụ cho từng bên, có lộ trình rõ ràng là phát triển cái gì, bảo tồn cái gì, hạn chế cái gì… Làm được như vậy, tôi nghĩ sản phẩm du lịch cộng đồng của từng địa phương mới đủ tiềm lực, sức mạnh tập thể và sức thuyết phục để phát triển”.
Bên cạnh đó, để du lịch cộng đồng ngày càng thu hút được khách du lịch thì cộng đồng phải đoàn kết cùng phát triển, theo ông Phạm Hải Quỳnh, muốn phát triển được du lịch cộng đồng thì cần nhìn nhận rõ nhất giá trị của cộng đồng. Trong quá trình xây dựng các làng du lịch cộng đồng, chúng ta cần căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác và dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch. Từ đó lựa chọn ra giá trị để khai thác và tạo sản phẩm du lịch.
Và tiêu chí để một mô hình du lịch cộng đồng thu hút du khách chính là mô hình đó ngoài việc lựa chọn, khai thác giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị vùng miền thì còn phải lựa chọn khai thác còn được gắn kết với giá trị cảnh quan thiên nhiên của vùng miền đó, từ đó sẽ phân định được nguồn khách chủ chốt và nguồn khách hướng tới. Đặc biệt hơn nữa chính là cộng đồng phải đoàn kết cùng phát triển. Song hành với việc đó, chính là giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng, để phát triển bền vững cũng như định hướng cộng đồng làm du lịch bài bản./.
PV
Báo Tổ quốc – toquoc.vn