Bà con làm du lịch ở Cồn Sơn khởi nghiệp “không đồng”, không vốn đầu tư ban đầu, không quy mô rình rang, không thuê mướn, không nhân tạo và không rập khuôn theo cách làm du lịch gọi là sinh thái đã tồn tại bấy lâu.
Nhà vườn Cồn Sơn đang chuẩn bị bữa ăn cho du khách
Những hộ tham gia làm du lịch ở Cồn Sơn ban đầu chỉ cần thực hiện dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, vệ sinh cảnh quan xung quanh nhà, chỉnh trang lại vườn cây ăn trái và đưa ra 1-2 món ăn thế mạnh của gia đình mình. Có thế, để cùng nhau thẩm định (khẩu vị, chất lượng và quan trọng là không trùng nhau), có những hộ được tư vấn món hoàn toàn mới đặc sắc, tạo được sự chú ý của du khách, dần dần hình thành nét đặc thù trong ẩm thực Cồn Sơn ngay từ ban đầu. Do cự ly mỗi nhà cách xa nhau nên chỉ có một cách duy nhất là vận chuyển món ăn từ nhà này đến nhà khác và ngược lại bằng xe đạp.
Cụ thể, nhà vườn Song Khánh làm cá tai tượng nướng lá sen, có tay nghề nấu rượu gạo và làm bánh canh bột xắt; nhà Sáu Cảnh được hướng dẫn làm gà xé bưởi, cá chạch lấu kho nghệ; nhà vườn Chính Nhỏ với món gà nấu măng cay và các món ăn về ếch; nhà vườn Phương My cá lóc nướng trui, lẩu mắm; nhà vườn Thanh Nhàn là các món về cá tra và kho mặn; nhà vườn Công Minh của chị Bảy Muôn chuyên mâm bánh dân gian Nam bộ; nhà vườn Thành Đạt với bánh xèo, bánh khọt; nhà vườn Thành Tâm chuyên các món ẩm thực từ ổi,…
Nguyên menu món ăn này sẽ được báo để cho khách lựa chọn, thông thường một mâm cơm đãi khách có món ăn của 4-5 nhà vườn cùng lúc. Như vậy, mỗi nhà vườn chỉ chú ý lo nguyên liệu đúng món đặc trưng của mình, không cần phải đầu tư dàn trải và không sợ bị dư do khách đã đặt trước nên nguyên liệu tươi ngon.
Mỗi buổi trưa hình ảnh bà con làm du lịch đạp xe thực đơn từ nhà này sang nhà khác trên con đê dưới tán cây đã trở thành hình ảnh quen thuộc trước mắt du khách. Đến buổi chiều khi khách đã về hết, bà con tụ lại những nhà vườn có nhiều khách ngồi ăn nhất để cùng phụ giúp nhau rửa chén, dọn dẹp. Người ngoài sẽ rất khó nhận biết đâu là chủ nhà vì mọi người cứ cười nói, cùng nhau làm. Đây là cách làm giúp cho những hộ không có không gian rộng để phục vụ khách tại nhà mình cũng có cơ hội tham gia làm du lịch. Họ sẽ đem món ăn của mình đến những nhà có không gian rộng để lên bàn đều đặn. Cồn Sơn chỉ vài nhà vườn có không gian rộng lớn để thực khách ăn uống nhưng lại có gần 20 hộ đang kinh doanh dịch vụ ẩm thực du lịch.
Như vậy, du khách đến Cồn Sơn sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh thực đơn các món ăn “bay” từ nhà này sang nhà khác. Ví dụ khách ăn tại nhà của Song Khánh ở giữa cồn thì từ dưới đuôi cồn xa xôi cả cây số, nhà vườn Chính Nhỏ, Thanh Nhàn, Phương My sẽ đạp xe vận chuyển thực đơn lên nhà vườn Song Khánh để góp lại thành bữa cơm cộng đồng và ngược lại.
Cũng là thiên nhiên, cũng là cồn bãi như những nơi khác nhưng bà con cồn Sơn phát triển du lịch một cách bền vững như hôm nay là nhờ cách làm hiệu quả, phù hợp với năng lực, nguồn vốn và tài nguyên thiên nhiên tại chỗ. Họ phát huy được thế mạnh của gia đình mình một cách tinh tế, tiếp nhận thông tin đặt dịch vụ của khách từ trước, tư vấn cụ thể cho khách thế mạnh mình có, vừa làm vừa giúp việc chuẩn bị cho hộ dân một cách khoa học và không lãng phí (có đặt mới làm, không dư thừa, mỗi nhà chỉ chú trọng chuẩn bị một vài nguyên liệu chủ lực dẫn đến họ luôn tìm được nguyên liệu tốt nhất để làm món ăn, dịch vụ).
Khi có hộ mới xin vào nhóm du lịch cộng đồng thì tất cả mọi người sẽ cùng ngồi lại đánh giá xem có phù hợp để làm dịch vụ du lịch hay không. Nếu phù hợp thì mọi người cùng với nhau tìm ra thế mạnh của hộ đó hoặc sẽ sáng tạo ra một dịch vụ mới để cho họ hoạt động. Chính nhờ như vậy nên ngày càng có nhiều người tham gia giúp cho dịch vụ du lịch tại đất cồn ngày càng phong phú. Dần dần hình thành nét đặc trưng mà không đâu có được.
Khách đến Cồn Sơn thưởng thức mâm cơm cộng đồng, không đơn thuần chỉ là ăn mà còn cảm nhận được câu chuyện của cả một cộng đồng giữa bốn bề sông nước.
Hòa Hội – Nguyễn Tuấn