Đồng Nai: Ngành Nông nghiệp hỗ trợ chủ thể OCOP trong giai đoạn mới

Năm 2023, triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của nền kinh tế nên hoạt động sản xuất của nhiều cơ sở, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn, khủng hoảng. Đa số chủ thể OCOP là các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm nên khó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Đoàn công tác của tỉnh tham quan mô hình sản phẩm OCOP tại TP.Long Khánh. Ảnh: B.Nguyên

Trước khó khăn trên, ngành Nông nghiệp Đồng Nai đã tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở có sản phẩm tham gia đăng ký, được cấp chứng nhận. Trong đó, thực hiện tốt việc phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí mới năm 2023.

* Tạo thuận lợi hơn cho chủ thể OCOP

Càng về sau, việc thu hút các chủ thể tham gia chương trình OCOP càng gặp khó khăn do nhiều chủ thể đủ điều kiện đã tham gia chương trình từ những năm trước đó. Những chủ thể chưa tích cực tham gia có nguyên nhân chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của chương trình; nhất là ngại về thủ tục với tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của địa phương. Mặt khác, nhiều chủ thể là hộ hoặc cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ gặp khó khăn cả về đầu tư nâng cấp quy mô sản xuất đến đầu tư cho bao bì, quảng bá sản phẩm đạt tiêu chuẩn của chương trình OCOP. Ngoài ra, còn có nguyên nhân cán bộ quản lý các cấp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương còn thiếu kinh nghiệm, việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình ở giai đoạn đầu còn lúng túng.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, ngành Nông nghiệp phối hợp tốt với các địa phương thực hiện tốt việc điều chỉnh những thay đổi của Bộ tiêu chí OCOP mới, nhất là phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Hiện một số địa phương đang gửi hồ sơ nhiều sản phẩm OCOP lên Hội đồng OCOP tỉnh chờ xem xét đánh giá công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023. Ngoài ra, một số huyện, thành phố có nhiều sản phẩm đang tiếp tục chờ Hội đồng OCOP huyện đánh giá, cấp chứng nhận OCOP trong năm 2023.

Việc phân cấp này góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP. Việc phân cấp này cũng giảm tải khối lượng công việc cho hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh. Đối với các chủ thể, việc phân cấp giúp nâng cao năng lực hỗ trợ các chủ thể của cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã; tạo động lực để các chủ thể OCOP phát triển và hoàn thiện sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, thúc đẩy động lực phấn đấu sản phẩm được đánh giá ở sao cao hơn.

Theo đại diện Công ty Đông Du Ký (xã Sông Trầu, H.Trảng Bom), DN có 2 sản phẩm chế biến là Sa tế Tàu xì và Merri Kinh đều đạt chứng nhận OCOP 4 sao trong năm 2023. Trong sản xuất, DN đã liên kết với một số hộ nông dân địa phương sản xuất nguyên liệu chế biến như: ớt, sả, đậu nành… DN được địa phương hỗ trợ hoàn thành hồ sơ chứng nhận sản phẩm OCOP không chỉ với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu tốt vào thị trường Trung Quốc.

Nhờ quan tâm hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh có 61 sản phẩm của 35 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó đến nay, có 4/11 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 17 sản phẩm, gồm: 13 sản phẩm OCOP 3 sao do cấp huyện công nhận; 4 sản phẩm đang trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh xem xét đánh giá phân hạng 4 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 167 sản phẩm OCOP.

* Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP tại chỗ

Ngành Nông nghiệp Đồng Nai rất quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại… để có thêm nhiều cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia sàn thương mại điện tử; vào được kênh tiêu thụ là các siêu thị. Tuy nhiên, sự gia tăng số lượng sản phẩm OCOP ngày càng lớn nên việc xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm OCOP càng là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ngành Nông nghiệp luôn chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn gắn với tiêu thụ đặc sản và sản phẩm OCOP. Việc kết nối để du khách sử dụng, thưởng thức các đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương được ngành rất chú trọng, vì vừa góp phần phát triển du lịch nông nghiệp, vừa góp phần tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại chỗ để mang lại lợi ích cho người nông dân, nhất là các chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP.

Theo đó, ngành Nông nghiệp Đồng Nai rất quan tâm triển khai các hoạt động kết nối, tìm thị trường cho sản phẩm OCOP, nông sản ngay tại vùng sản xuất, góp phần cho nông sản, sản phẩm nông nghiệp có đầu ra bền vững hơn. Trên cơ sở này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ, khuyến khích phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái là kênh quảng bá và tiêu thụ nông sản, sản phẩm tại chỗ hiệu quả.

 Kiểm tra, giám sát việc thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (cuộc vận động 264), khảo sát các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản tại các địa phương, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động 264 Phạm Tấn Linh đánh giá, trong sản xuất, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã quan tâm hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa đảm bảo an toàn, có chất lượng. Các cơ sở, DN sản xuất, kinh doanh không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm, tiếp tục nâng cao chất lượng, lợi thế cạnh tranh của hàng hóa để phục vụ tốt hơn người tiêu dùng ngay tại địa phương. Trong đó, cần khai thác hiệu quả hơn, gắn mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn với làm các sản phẩm du lịch OCOP nhằm khai thác hiệu quả kênh tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP tại chỗ.

Bình Nguyên

Báo Đồng Nai – baodongnai.com.vn