Sản phẩm OCOP và các loại nông sản chế biến của Cần Thơ được trưng bày, giới thiệu tại một sự kiện triển lãm tại tỉnh Bến Tre
Sản phẩm OCOP tạo sức hút
Các chủ thể OCOP (hợp tác xã, doanh nghiêp, hộ dân…) trên địa bàn TP Cần Thơ đã cho ra đời được nhiều sản phẩm OCOP có bao bì đẹp, địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng, đảm bảo các điều kiện về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Chủng loại sản phẩm OCOP khá đa dạng như nông sản tươi, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, thảo dược, hàng thủ công mỹ nghệ… Các sản phẩm OCOP với sự kết tinh của văn hóa truyền thống, bản sắc cộng đồng và tài nguyên bản địa, cùng với chất lượng tốt đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Kim Nhiên, Giám đốc Công ty Kim Nhiên, chủ thể sản phẩm OCOP “Trà mãng cầu Kim Nhiên” ở huyện Cờ Ðỏ, cho biết: “Với sự hỗ trợ của ngành chức năng, Công ty không chỉ tham gia liên kết, bao tiêu trái mãng cầu cho nông dân tại địa phương mà đã phát triển chế biến để nâng cao giá trị. Sản phẩm trà mãng cầu Kim Nhiên đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao từ năm 2020 và được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong nước; trên các sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, nhất là Hàn Quốc”.
Theo ông Bùi Quang Huấn, chủ thể sản phẩm OCOP “Ðông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Huấn Xoa” ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ, sau khi sản phẩm được thành phố công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao vào năm 2022, ông đã tự tin đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ngành thành phố và huyện tổ chức như hội nghị, hội chợ và triển lãm. Qua đó, sản phẩm Ðông trùng hạ thảo sấy thăng hoa Huấn Xoa đã được nhiều người tiêu dùng biến đến, tin tưởng chất lượng để chọn mua. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đã liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó doanh số bán hàng ngày một tăng cao.
Ngoài ra, nhiều loại trái cây ngon và sản phẩm rau màu của các hộ dân, hợp tác xã đã được công nhận sản phẩm OCOP. Thành phố cũng có nhiều sản phẩm OCOP được phát triển sản xuất và chế biến từ các loại cá, thịt, trứng, lúa gạo, các loại đậu, trái cây, rau màu, cây thảo dược, sản phẩm làm từ nấm đông trùng hạ thảo, từ cây lục bình… Nhiều chủ thể OCOP cho biết, việc phát triển các sản phẩm OCOP đã giúp nâng cao giá trị cho nhiều loại nông sản, giúp khai thác, phát huy các nguồn nguyên vật liệu sẵn có tại các địa phương, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn. Thúc đẩy chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị gắn với vai trò của các hợp tác xã và doanh nghiệp.
Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể
Cần Thơ đã có 4 sản phẩm OCOP đầu tiên được UBND TP Cần Thơ trao chứng nhận đạt hạng sao theo bộ tiêu chí OCOP vào tháng 7/2020. Ðó là sản phẩm sản phẩm mắm cá tra của ông Chương Văn Khanh và Rượu mận Sáu Tia của ông Nguyễn Phú Tia ở quận Thốt Nốt được chứng nhận đạt hạng 4 sao và 2 sản phẩm hạng 3 sao gồm bánh tráng dừa của bà Ðặng Thị Bích Tuyền và bánh tráng ngọt của bà Hà Thị Sáu cũng ở Thốt Nốt. Sau khi có những sản phẩm OCOP đầu tiên, năm 2020 Cần Thơ có thêm 19 sản phẩm OCOP, đến năm 2021 nâng lên 41 sản phẩm OCOP. Năm 2022, thành phố có thêm 51 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố lên 92 sản phẩm OCOP đạt hạng 3-4 sao, trong đó có 58 sản phẩm hạng 4 sao.
Năm 2023, TP Cần Thơ có kế hoạch phát triển thêm từ 20 sản phẩm OCOP hạng 3-4 sao trở lên. Đến giữa tháng 11/2023, hội đồng tại các quận, huyện đã họp đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cho 13 sản phẩm đạt hạng 3 sao, cộng với 12 sản phẩm vừa được Hội đồng cấp thành phố đánh giá, xếp hạng OCOP hạng 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của thành phố đạt hạng 3-4 sao lên 117. |
Mới đây, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP TP Cần Thơ tiếp tục tổ chức họp đánh giá và xếp hạng cho 12 sản phẩm OCOP của 12 chủ thể trên địa bàn huyện Phong Ðiền, quận Bình Thủy và quận Ninh Kiều. Theo đó, Phong Ðiền có 3 sản phẩm được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP lần này gồm: bánh hỏi mặt võng Út Dzách của chủ thể Trần Thiện Cảnh; vú sữa Lò Rèn và vú sữa bơ của chủ thể Trần Văn Chiến – Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A; Làng du lịch Mỹ Khánh của chủ thể Lê Văn Sang – Công ty TNHH du lịch sinh thái Mỹ Khánh. Quận Bình Thủy có 5 sản phẩm của chủ thể Lê Thị Kim Ngân gồm: đông trùng hạ thảo Fungi, rượu đông trùng hạ thảo Fungi, dưa lưới sấy thăng hoa Fungi, sầu riêng sấy thăng hoa Fungi, sữa chua sấy thăng hoa Fungi. Ninh Kiều có 3 sản phẩm của chủ thể Trần Gia Lệ gồm: yến Sào Phụng Hoàng, yến sào quý phi và yến hủ chưng tươi. 12 sản phẩm này đều đạt được số điểm khá cao, với từ 7,5-7,7 điểm, qua đó đều được xếp hạng OCOP đạt hạng 4 sao.
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ, để tiếp tục thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Sở cần phối hợp chặt với Văn phòng Ðiều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, cùng các sở, ngành thành phố, địa phương, đơn vị có liên quan để đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển sản phẩm OCOP. Quan tâm tạo thuận lợi cho các chủ thể OCOP và người dân trong củng cố, nâng chất các sản phẩm hiện có và mở rộng, phát triển mạnh các sản phẩm mới cả về số lượng, chất lượng. Rà soát, cập nhật các quy định và các chính sách hỗ trợ đã được Trung ương và thành phố ban hành để hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm OCOP. Chú ý hỗ trợ các chủ thể trong đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đầu tư thiết kế bao bì, nhãn mác đẹp mắt, hấp dẫn, giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP thông qua nhiều kênh tiêu thụ như siêu thị, cửa hàng tiện ích, sàn thương mại điện tử, điểm du lịch…
Bài, ảnh: Khánh Trung
Báo Cần Thơ Online – baocantho.com.vn