Châu Thành (An Giang) phát triển sản phẩm OCOP

Thời gian qua, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) luôn chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), giúp người sản xuất có điều kiện nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.


Sản phẩm OCOP 3 sao nước mắm chay Cô Nành 

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: Chương trình OCOP với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, đẩy mạnh kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của làng nghề truyền thống, phát triển sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. 

Sau thời gian triển khai, chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia của các chủ thể có sản phẩm đặc sản của địa phương. Các chủ thể được trang bị kiến thức về các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và điều kiện sản xuất kinh doanh của các sản phẩm OCOP. Qua đó, góp phần phát huy, nâng cao giá trị nhiều sản phẩm thế mạnh, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Để phát triển sản phẩm OCOP,  huyện Châu Thành tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Ngành nông nghiệp tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương. Ngoài ra, tích cực hỗ trợ các chủ thể về hồ sơ, thủ tục khi tham gia chương trình, tạo điều kiện cho các chủ thể về các hoạt động quảng bá, tiếp thị sản phẩm tiếp cận thị trường. Hàng năm, phối hợp triển khai các lớp tập huấn, tư vấn, định hướng phát triển sản phẩm OCOP cho các địa phương; rà soát, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm tham gia thi đánh giá, phân hạng.

 

Tàu hủ ky là sản phẩm tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới

Với sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, các hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia và không ngừng hoàn thiện, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Đến nay, huyện Châu Thành có 2 sản phẩm đã được UBND tỉnh An Giang công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, gồm: Sản phẩm nước mắm chay Cô Nành của hộ kinh doanh Yến Phương (ấp Trung Thành, xã Vĩnh Thành) và sản phẩm gạo thơm Ngọc Nhân của Công ty TNHH Tín Thành ATC (khóm Hòa Long IV, thị trấn An Châu). Bên cạnh đó, huyện đã khảo sát 12 sản phẩm tiềm năng của 11 chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP, gồm: Tàu hủ ky (xã Vĩnh Thành, Hòa Bình Thạnh); rượu đông trùng hạ thảo, mít sấy (xã Cần Đăng); gạo tím thuần nông (thị trấn Vĩnh Bình); rượu trắng Thanh Cang (xã Vĩnh An); sầu riêng (xã Vĩnh Nhuận); gạo tím bách hợp (thị trấn An Châu); chả mặn và chả nấm chay (xã An Hòa); na hoàng hậu (xã Vĩnh Hanh); nhãn Phát tài (xã Vĩnh Lợi). 

Theo ông Nguyễn Phạm Tuấn, chương trình OCOP đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội, khơi dậy và phát huy tinh thần tự lực, tự tin sáng tạo khởi nghiệp của người dân, thúc đẩy phát triển sản xuất khu vực nông thôn. Đồng thời, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương, theo hướng phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm đạt OCOP trên địa bàn huyện còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đồng thời, thiếu sự gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực của chủ thể về sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị, phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa các sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế, điều kiện địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực về quản trị, quảng bá cho cán bộ quản lý, điều hành của các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở, hộ sản xuất. 

Tăng cường ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm đổi mới, hoàn thiện công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao; phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP; giới thiệu, kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử để nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, nhằm mang lại giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp địa phương.

“Việc chú trọng phát triển các sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện cho các chủ thể nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo ra việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân…” – ông Nguyễn Phạm Tuấn chia sẻ./.

Trung Hiếu
Cổng TTĐT tỉnh An Giang – angiang.gov.vn