Người dân thăm quan mua sắm các sản phẩm của làng nghề lược sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Chương trình nhằm tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm, sản phẩm OCOP, các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương; kích cầu tiêu dùng.
Theo đó, HPA sẽ tổ chức Hội chợ Triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2023 tại huyện Mê Linh từ ngày 17-20/12/2023. Hội chợ với quy mô khoảng 120 gian hàng, bao gồm khu gian hàng trưng bày, giới thiệu, giao thương sản phẩm của các doanh nghiệp; khu sản phẩm đặc trưng, làng nghề của các tỉnh/thành phố; không gian tiểu cảnh trang trí, sân khấu, cổng chào; không gian trình diễn sản phẩm, quảng bá du lịch, văn hóa…
Tổ chức Hội chợ Triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2023 tại huyện Thạch Thất từ ngày 21-24/12/2023, với quy mô khoảng 100 gian hàng, bao gồm khu gian hàng trưng bày, giới thiệu, giao thương sản phẩm của các doanh nghiệp; khu sản phẩm đặc trưng, àng nghề của các tỉnh/thành phố; không gian tiểu cảnh trang trí, sân khấu, cổng chào; không gian trình diễn sản phẩm, quảng bá du lịch, văn hóa…
Hội chợ Triển lãm, thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2023 tại huyện Thường Tín sẽ diễn ra từ ngày 25-28/12/2023, với quy mô khoảng 100 gian hàng, bao gồm khu gian hàng trưng bày, giới thiệu, giao thương sản phẩm của các doanh nghiệp; khu sản phẩm đặc trưng, làng nghề của các tỉnh/thành phố; không gian tiểu cảnh trang trí, sân khấu, cổng chào; không gian trình diễn sản phẩm, quảng bá du lịch, văn hóa…
Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội và các đơn vị (Sở Công Thương, NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến Thương mại/Khuyến công…) của một số tỉnh, thành phố.
Sản phẩm trưng bày, quảng bá giới thiệu gồm các sản phẩm định hướng xuất khẩu, có hàm lượng khoa học-công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường; sản phẩm đặc sản, đặc trưng của các vùng miền; các sản phẩm đã được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý; sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm chế biến, đồ uống, trái cây, bánh kẹo, trà, cà phê, hàng thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm… bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa.
Tại Hội chợ, các đơn vị, doanh nghiệp sẽ tổ chức quảng bá, giới thiệu bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng Thủ đô và du khách; tổ chức các chương trình khuyến mại, tặng quà, trải nghiệm, trình diễn sản phẩm. Các nhà phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, sàn thương mại điện tử… giao dịch trực tiếp với các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Hội chợ tìm hiểu sản phẩm, năng lực sản xuất, khả năng cung cấp…tìm kiếm nguồn hàng đưa vào hệ thống phân phối; đàm phán ký kết biên bản hợp tác, hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm
Đồng thời tư vấn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; chất lượng mẫu mã, bao bì sản phẩm phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hội chợ Triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2023 tại huyện Thường Tín, Mê Linh, Thạch Thất cũng nhằm hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp phân phối với các doanh nghiệp sản xuất, tạo chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm bền vững lâu dài; nâng cao nhận thức, lòng tin của người tiêu dùng về chất lượng, thương hiệu sản phẩm Việt, thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Diệu Anh
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ/Trang Thủ đô Hà Nội – thanglong.chinhphu.vn