Toàn tỉnh hiện có hàng trăm sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên và đã có nhiều sản phẩm vượt ra khỏi địa bàn, mang lại giá trị kinh tế cao.
Hằng năm, tỉnh Quảng Nam tổ chức bình chọn, vinh danh những sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để tiếp sức cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã có thị trường tiêu thụ ổn định và được đưa vào các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch và xuất khẩu.
Đầu tư nâng cao chất lượng
Huyện Tiên Phước nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 25 km, là vùng trung du, tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi. Vùng đất này không chỉ có nhiều loại đặc sản nổi tiếng như: tiêu, lòn bon (dâu da đất)… mà còn là nơi có nhiều loại sản phẩm OCOP nhất của tỉnh Quảng Nam.
Một trong những sản phẩm OCOP của huyện Tiên Phước được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến là sản phẩm bánh tráng lề Địch Yên của Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên (xã Tiên Phong). Bánh tráng lề Địch Yên được sản xuất từ gạo, muối và nước, không sử dụng phụ gia; bánh tráng có độ mềm, dẻo, không cần nhúng nước khi sử dụng nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Hứa Đại Dương, Tổ trưởng Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu thị trường, tổ hợp tác đã đầu tư mở rộng nhà xưởng, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động và đã hoàn thiện bao bì, nhãn mác và có tem truy xuất nguồn gốc.
Hiện, sản lượng tiêu thụ trung bình mỗi tháng khoảng 4 tấn bánh, với doanh thu 120 triệu đồng/tháng và lợi nhuận thu về khoảng 20-30%. “Dù được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, nhưng để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian qua, tổ hợp tác luôn chú trọng đến khâu chọn nguyên liệu làm bánh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và luôn lấy chất lượng làm đầu”, anh Hứa Đại Dương bày tỏ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tiên Phước Nguyễn Hùng Anh cho biết, nhiều sản phẩm OCOP của huyện được người tiêu dùng biết đến như: bánh tráng lề Địch Yên của Tổ hợp tác bánh tráng lề Địch Yên, tinh bột nghệ trắng của Tổ hợp tác nông nghiệp thương mại và dịch vụ Tiên Ngọc, chuối tươi sấy dẻo của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Thiên An My, nếp cái hương bầu của Hợp tác xã nông nghiệp Tiên An, rượu vang lòn bon của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Tuyên…
Thời gian gần đây, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Tiên Phước luôn đầu tư cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng sản phẩm nên ngày càng được nhiều người biết đến. Toàn huyện hiện có 36 sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao cấp tỉnh. Bước đầu, việc đầu tư phát triển sản phẩm OCOP vừa tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững. Do vậy, hằng năm, huyện luôn dành nguồn kinh phí để hỗ trợ các đơn vị, cá nhân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, nguồn kinh phí hỗ trợ dành cho Chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trên địa bàn huyện hơn 7 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam Phạm Viết Tích cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến Chương trình OCOP. Đầu năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025 và ngay sau đó, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định cụ thể hóa về chủ trương này. Theo đó, hằng năm ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 10 tỷ đồng để hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi sản phẩm; đồng thời hỗ trợ công tác giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm OCOP ra thị trường trong nước và thế giới.
Trong năm 2023, thực hiện theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện Chương trình OCOP theo bộ tiêu chí mới; đồng thời phối hợp với Sở Công thương tổ chức nhiều hoạt động để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Qua hơn 5 năm phát động, đến nay, Quảng Nam đã có 284 chủ thể tham gia Chương trình OCOP và đã có 356 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP; trong đó, có 58 sản phẩm 4 sao, 298 sản phẩm 3 sao…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã tích cực trong thiết kế, sáng tạo những mẫu mã mới, diện mạo mới cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, qua đó tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường, từng bước hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới. Một số sản phẩm từ địa phương được đánh giá cao và ngày càng được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất cũng như chủ thể được hỗ trợ tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như: sâm Ngọc Linh, tiêu Tiên Phước, quế Trà My, đèn lồng Hội An, bánh tráng Đại Lộc, gạo Ái Nghĩa…
Bước đầu, đã có nhiều sản phẩm OCOP được hình thành và phát triển gắn với các địa điểm du lịch và mang giá trị độc đáo của địa phương, tạo hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.
Phát triển sản phẩm theo hướng liên kết chuỗi
Đồng chí Phạm Viết Tích nhìn nhận, thời gian qua, thực hiện Chương trình OCOP, các cấp, ngành, chủ thể sản xuất vẫn còn lúng túng, công tác phối hợp thiếu đồng bộ. Số lượng các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia sản xuất sản phẩm OCOP chưa nhiều; chủ thể là hộ sản xuất, kinh doanh đăng ký tham gia Chương trình OCOP chiếm tỷ lệ 55% trên tổng số sản phẩm OCOP.
Trong khi đó, nhóm chủ thể hộ sản xuất, kinh doanh đa số có quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản lý, điều hành còn hạn chế, bị động về nguồn vốn và còn nhiều lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, công tác phát triển, nâng hạng sản phẩm còn chậm, hiện có hơn 80% sản phẩm 3 sao. Nhóm các sản phẩm thô còn nhiều, một số sản phẩm chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, logo; mẫu mã bao bì còn đơn giản, chưa đa dạng, phong phú.
Việc quản lý, theo dõi chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh chưa được chú trọng. Việc ứng dụng và đổi mới công nghệ, áp dụng quy trình sản xuất khép kín chưa nhiều, hình thức sản xuất bán thủ công, thủ công vẫn còn khá phổ biến nên chất lượng, hiệu quả đầu tư, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP chưa cao.
Để Chương trình OCOP mang lại hiệu quả, bền vững, Quảng Nam ưu tiên phát triển những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương; trong đó, chú trọng những sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất, mang những giá trị truyền thống, văn hóa của địa phương.
Thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trong và ngoài nước đối với sản phẩm OCOP, qua đó quảng bá hình ảnh, sản phẩm OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm; xúc tiến xây dựng một số Trung tâm OCOP cấp huyện; phát triển, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, Quảng Nam sẽ thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, nhất là cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Tỉnh sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP; nghiên cứu xây dựng các tuyến phố OCOP, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số, các trung tâm OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Quang Bửu thông tin, cùng với củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận hạng 3 sao trở lên trong giai đoạn 2018-2020, Quảng Nam sẽ phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm.
Trong đó, chủ yếu là tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm chế biến, chế biến sâu để gia tăng giá trị, theo chuỗi các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh; phát triển các sản phẩm thuộc nhóm ngành dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch và các sản phẩm thế mạnh khác. Phấn đấu, đến năm 2025, bình quân mỗi xã có ít nhất hai sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; cả tỉnh có ít nhất năm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao, phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.
Qua đó, đưa doanh số bán hàng OCOP đến năm 2025 đạt hơn 300 tỷ đồng, gấp hơn bốn lần so với năm 2020; lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng. Cùng với đó, đến năm 2025, Quảng Nam sẽ xây dựng được 45 điểm bán hàng OCOP, 10 Trung tâm OCOP cấp huyện, hai Trung tâm OCOP cấp tỉnh và một Trung tâm OCOP cấp vùng.
Bài và ảnh: Tấn Nguyên
Báo Nhân Dân điện tử – nhandan.vn