Tích cực kết nối giao thương
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang phối hợp các sở ngành và các địa phương triển khai nhiều hoạt động kết nối giao thương sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, hội nghị, triển lãm… Trên 10 đoàn công tác đã tham gia hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương với các doanh nghiệp tại Lạng Sơn, Sơn La, Thái Bình, Hà Nội, Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long…
Tỉnh An Giang kết nối giao thương với tỉnh Đắk Lắk
Các sở ngành phối hợp hỗ trợ sản phẩm OCOP An Giang
Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư cho biết: “Sự kiện nổi bật của tỉnh An Giang thời gian gần đây là Hội chợ Công Thương vùng Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại thị xã Tịnh Biên vào tháng 6. Tại hội chợ, nhiều sản phẩm OCOP đã tiếp cận người tiêu dùng, nhận được sự quan tâm của các đối tác. Hội chợ đã thu hút trên 200 ngàn lượt người đến tham quan, mua sắm và đạt tổng doanh thu bán hàng 14 tỷ đồng.”
Thông qua các sự kiện thương mại trong và ngoài tỉnh, An Giang đã tăng cường hợp tác với các tỉnh thành để mở rộng mạng lưới phân bố sản phẩm OCOP trong toàn quốc, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác và thị trường tiềm năng, lắng nghe những ý kiến phản hồi từ người tiêu dùng…
Đẩy mạnh thương mại điện tử
Mặt khác, công tác truyền thông được chú trọng. Các sở ngành tiếp tục các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về chương trình OCOP, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quảng bá, đưa sản phẩm OCOP An Giang lên các sàn thương mại điện tử…
Một số sản phẩm OCOP An Giang
Trong năm qua, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang đã tổ chức lớp tập huấn “Kỹ năng bán hàng online trên nền tảng TikTok” cho khoảng 100 doanh nghiệp, phối hợp Công ty TikTok Việt Nam giới thiệu “Phiên chợ nông sản trên nền tảng TikTok” cho 10 doanh nghiệp, hỗ trợ 19 doanh nghiệp tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee…
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều thách thức. Ông Lê Trung Hiếu – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư phân tích: “Nhìn chung, các sản phẩm OCOP tỉnh An Giang hiện nay thiếu đa dạng về mẫu mã, hạn chế trong kỹ thuật chế biến và bảo quản, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thấp. Khi tham gia sàn thương mại điện tử, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự và công nghệ. Để sản phẩm OCOP chinh phục người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các phương thức quảng bá, kinh doanh, kết nối tiêu thụ…”
Có thể nói, chương trình OCOP hiện nay đã lan tỏa rộng khắp, góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp từ nhỏ lẻ sang liên kết chuỗi giá trị, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh An Giang. Mặc dù còn nhiều khó khăn, các sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định chất lượng trên thị trường. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh phấn đấu có thêm 70 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên. /.
Yên Lương
Cổng TTĐT tỉnh An Giang – angiang.gov.vn