Trong cuộc sống hiện đại, nhiều luồng văn hoá mới đang len lỏi vào đời sống, nếp nghĩ của đồng bào nên việc gìn giữ bản sắc văn hoá truyền thống là đặc biệt quan trọng đối các tộc người thiểu sổ ở xã miền núi Kiên Lao nói chung. Đây còn được coi là một trong những tiêu chí quan trọng giúp xã Kiên Lao hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Nghệ nhân Lâm Minh Sập rất phấn khởi khi những công sức của bà con trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá đã góp phần vào việc đưa địa phương cán đích nông thôn mới trong năm 2023:
“Muốn đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì anh em trong câu lạc bộ cũng xác định, đây là mặt trận tư tưởng đi đầu tuyên truyền các thành viên trọng câu lạc bộ phát huy bản sắc dân tộc, dân ca Sán Chí…” – nghệ nhân Lâm Minh Sập cho biết.
Đến Bắc Giang du khách có thể tham gia tour du lịch trải nghiệm mùa vải chín và thưởng thức các làn điệu dân ca của cộng đồng người Sán Chí ở Lục Ngạn
Là địa phương có hơn 80% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên chính quyền xã Kiên Lao xác định, muốn hoàn thành xây dựng nông thôn mới thì phải đi bằng “2 chân”: kinh tế và văn hoá. Đến Kiên Lao bây giờ, người ta dễ dàng bắt gặp những vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế lên tới hàng tỷ đồng; những ngôi nhà cao tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Hệ thống đường giao thông nông thôn được đổ bê tông kiên cố, sạch sẽ tới từng thôn, xóm.
Điều kiện kinh tế được nâng cao, tiếp cận với nhiều giá trị văn hoá mới nhưng cộng đồng người Sán Chí ở Kiên Lao vẫn luôn ý thức bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống của mình. Bản sắc văn hoá đó được thể hiện qua các làn điệu dân ca, trang phục truyền thống và tinh thần đoàn kết hàng xóm, láng giếng. Ý thức vì cộng đồng của người Sán Chí được thể hiện rõ hơn khi chính quyền địa phương vận động xây dựng nông thôn mới.
Những làn điệu dân ca của đồng bào Sán Chí vẫn được gìn giữ trong cuộc sống hiện đại…
Bà Hoàng Thị Liên – Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Lao (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) cho biết: “Nhìn chung, Kiên Lao dân tộc thiểu số là chủ yếu cho nên công tác dân tộc thường xuyên được quan tâm. Hằng năm vào các dịp Tết Nguyên đán vẫn tổ chức các câu lạc bộ văn nghệ, xây dựng nông thôn mới để về đích năm nay thì cũng được nhân dân rất đồng tình ủng hộ”.
Nhìn rộng ra toàn huyện Lục Ngạn, các mục tiêu, kế hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2023 đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn huyện Lục Ngạn hiện có 31 sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 5 sao, tạo nguồn lực kinh tế quan trọng thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới. Năm nay, huyện Lục Ngạn có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Lập và Kiên Lao; 4 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
…và được tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Dù gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của huyện Lục Ngạn vẫn tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, bản sắc và giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa được phát huy. Đặc biệt, tập trung khai thác giá trị văn hoá bản địa để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình xây dựng nông thôn mới của Lục Ngạn giai đoạn 2021 – 2025.
Ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) nhấn mạnh: “Hiện nay, chúng tôi đang phát triển các câu lạc bộ hát và chúng tôi cũng có thu nhập đầu người trong tốp đầu của tỉnh. Bên cạnh đó về văn hoá, chúng tôi cũng xây dựng là tiêu chí quan trọng.
Có thể thấy, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn mới ở các xã miền núi của huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tiếp tục khởi sắc. Ở đó, bản sắc văn hoá truyền thống của các tộc người thiểu số được gìn giữ và phát huy.