Du khách thích thú với sản phẩm đan lát ở làng Cao Sơn
Đãi khách ẩm thực truyền thống
Thời gian qua, huyện Bắc Trà My đã đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại làng văn hóa Cao Sơn và hiện đang tiếp tục triển khai hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đây là điểm du lịch của tỉnh Quảng Nam. Cộng đồng dân tộc Ca Dong – những chủ nhân đích thực của làng chính là những người đã bảo tồn, phát huy sáng tạo giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào để xây dựng nên những sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo thu hút và giữ chân du khách.
Chúng tôi đến làng vào chiều muộn, vừa lúc bà con từ rẫy trở về nhà và đang quây quần ở nhà ông Hồ Thanh Hùng (thôn Cao Sơn, xã Trà Sơn) để gói bánh ốc chuẩn bị tiệc đón đoàn khách đến thăm làng. Ông Hùng vừa hào hứng chỉ vẽ cho khách cách gói bánh ốc, vừa kể cho khách nghe về những phong tục, nếp sinh hoạt, ẩm thực đặc trưng của đồng bào Ca Dong. Quây quần bên mâm gói bánh là vợ, con dâu và cháu trai của ông Hùng. Mỗi người một việc, ai cũng mong gói những chiếc bánh ốc ngon nhất, đẹp nhất để mang ra nhà văn hóa làng đãi khách trong bữa cơm tối và cùng thưởng thức múa cồng chiêng.
Ông Hùng kể, như món bánh ốc này được chế biến từ nguyên liệu là gạo rẫy dân làng trồng, chấm kèm muối mè. Thời gian để nấu bánh chín thường mất khoảng 10 – 12 giờ đồng hồ. Đã thành phong tục, mỗi khi thu hoạch mùa màng xong, vào những dịp tết mùa, lễ đâm trâu và cúng sấm, lễ hội mừng mùa màng bội thu, hay nhà nào trong làng có việc, có khách quý, cả làng lại cùng tập trung gói bánh, trò chuyện, ăn uống, nhảy múa các điệu truyền thống”. Ngày trước, người trong làng quan niệm rằng mỗi khi xong vụ mùa, tổ chức mừng lúa mới nếu đến nhà nào có nhiều bánh ốc thì chứng tỏ rằng vụ mùa đó đã bội thu. Mỗi dịp tổ chức gói bánh ốc, mọi người lại tụ họp lại để gói xoay vòng cho từng nhà trong làng, nấu và hàn huyên suốt đêm chờ bánh chín.
Kế bên nhà ông Hùng, một nhóm phụ nữ Ca Dong tập trung xâu cườm. Đây cũng là một phong tục mà bất kỳ cô gái Ca Dong nào cũng được bà, mẹ truyền dạy từ lúc còn nhỏ. Những lúc rảnh rỗi, nông nhàn, các bà các chị, những thiếu nữ trong làng lại cùng tụ họp, tỉ mẩn ngồi kết, xâu những hạt đá li ti, đủ màu sắc thành những món trang sức như vòng đeo tay, đeo chân, hoa tai, dây chuyền đeo cổ, phụ kiện cho những bộ áo quần thêm màu sắc. Một sản phẩm đơn giản như chiếc nhẫn nhỏ đeo tay, mất ít nhất 30 phút mới xâu xong. Có những món đồ đặc biệt, từ khâu chọn nguyên liệu, nhuộm màu, xâu kết có khi mất cả tháng trời. Cứ lúc nào khi nào rảnh rỗi, mọi người sẽ tranh thủ xâu để đeo vào những dịp lễ hội của làng, hoặc để tặng con cháu, bạn bè.
Một nghề truyền thống khác được lưu truyền bao đời nay ở làng Cao Sơn là đan lát. Với nguyên liệu dồi dào sẵn có của địa phương, hầu như đồng bào Ca Dong nào cũng biết đan tạo nên những sản phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt thường ngày như gùi, giỏ… Nhiều hộ dân đã biết tìm tòi mẫu mã, trau dồi thêm tay nghề để chế tạo ra các sản phẩm thủ công đẹp, tinh xảo để bán có thêm thu nhập.
Du khách cùng trải nghiệm gói bánh ốc với gia đình ông Hùng
Động lực để giữ nghề
“Từ khi làm du lịch, dù có khách hay không có khách đến thì làng vẫn duy trì nếp sinh hoạt truyền thống, vẫn giữ nghề đan lát, xâu cườm để còn truyền dạy cho lớp trẻ. Bất cứ một thành viên nào của làng Cao Sơn cũng được truyền dạy, ý thức trong việc bảo tồn nghề, trao truyền nghề cho con cháu, thế hệ trẻ để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nay làng có du khách đến thăm, tìm hiểu dân làng thêm vui và có động lực để giữ gìn văn hóa truyền thống”, chị Hồ Thị Huê, một phụ nữ Ca Dong chia sẻ.
Một trong những lễ hội truyền thống của đồng bào Ca Dong ở huyện Bắc Trà My được nhiều du khách muốn được trải nghiệm, khám phá chính là Tết mùa. Theo tiếng Ca Dong, Tết mùa là Pai – Ố (Pai là nấu rượu; Ố là uống) là Tết cổ truyền lớn nhất để đồng bào Ca Dong bày tỏ lòng thành kính với trời, đất, thần linh, ông bà, là dịp để gia đình, làng xóm sum họp, chia sẻ những chuyện vui buồn trong năm.
Khi mùa xuân về, mùa vụ đã thu hoạch, lúa về đầy ắp kho chính là lúc đồng bào Ca Dong tổ chức ăn Tết mùa mừng năm mới. Tùy vào mùa vụ lúa rẫy của năm đó bội thu hay không, lúa gạo đầy kho hay ít mà đồng bào Ca Dong ăn Tết mùa to hay nhỏ. Như cách nhìn vào món bánh ốc, nhà nào được mùa, mâm bánh ốc đầy ắp, viên mãn. Để chuẩn bị cho Tết mùa, người trong làng phân công ra mỗi người một việc. Đàn ông, con trai vào rừng chặt ống nứa non, hái lá dong, phụ nữ ngâm gạo nếp rồi cùng làm cơm ống để chuẩn bị nghi thức cúng gọi hồn thần lúa về.
Ngày đầu tiên Tết mùa, từ sáng sớm mọi người mặc trang phục truyền thống của đồng bào Ca Dong, đeo các món trang sức cườm do tự tay mình làm. Chủ nhà mở cửa kho lúa, khấn mời thần lúa về ăn Tết mùa cùng gia đình. Sau đó, đóng cửa kho lúa lại, dùng rựa phát dọn cây thoáng đãng để thần lúa theo đường mà về… Xong nghi thức cúng lễ theo truyền thống, mọi người lại cùng nhau quây quần thưởng thức những món ăn truyền thống, uống rượu cần, tấu cồng chiêng, hát những làn điệu dân ca cầu chúc cho nhau những điều may mắn.
Bà Trịnh Thị Hồng Nga, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Trà My chia sẻ: “Thời gian qua, địa phương cũng phối hợp với nhiều đơn vị, tổ chức liên quan mở lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng, lớp bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm cho người dân tại làng văn hóa Cao Sơn; tập huấn, truyền dạy nghề đan lát tạo ra sản phẩm du lịch, sản phẩm quà lưu niệm”…
Khánh Chi
Báo Văn hóa điện tử – baovanhoa.vn