Phú Thọ: Nâng tầm OCOP

Từ khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cùng với hỗ trợ của chính quyền các cấp, các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đã có sự quan tâm, đầu tư, nâng tầm cho sản phẩm của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng.

Sản phẩm bánh sắn Hiền Lương của HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Chiến Tú, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa được công nhận ba sao, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động

Hiện nay, chi nhánh Công ty TNHH thương mại dịch vụ Biển Xanh có trụ sở tại xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hòa là chủ thể có nhiều sản phẩm OCOP nhất huyện Hạ Hòa với năm sản phẩm, trong đó có ba sản phẩm được công nhận đạt hạng bốn sao.

Ông Hà Văn Tú – Giám đốc Công ty cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh công nhận các sản phẩm đạt hạng OCOP, việc đưa nông sản vào các siêu thị, trung tâm thương mại hay các sàn giao dịch thương mại điện tử thuận lợi hơn rất nhiều. Đồng thời, giá thành cũng được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho các người lao động. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm cho các sản phẩm ba sao để nâng hạng lên bốn sao, mở rộng thị trường tiêu thụ và quy mô sản xuất”.

Việc tham gia chương trình và được công nhận sản phẩm OCOP ba sao cũng đã giúp nghề nuôi ong của Tổ hợp tác ong Đoàn Kết, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa nâng được giá trị sản phẩm. Thương hiệu mật ong “Hương ngàn Đất Tổ” được Tổ hợp tác bán với giá dao động từ 150 – 200 nghìn đồng/lít tùy thời điểm, thị trường tiêu thụ khá ổn định, giúp nhiều hộ gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Kỷ – Tổ trưởng Tổ hợp tác thông tin: Năm 2020, sau khi sản phẩm mật ong “Hương ngàn Đất Tổ” được công nhận là sản phẩm OCOP ba sao, được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ xúc tiến thương mại, các siêu thị trong và ngoài tỉnh, giá trị sản phẩm của Tổ hợp tác được nâng cao hơn. Đặc biệt, các hộ nuôi ong không còn bị động trong sản xuất, kinh doanh mà đã chú ý đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tốt nhất những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Hạ Hòa đã có 18 sản phẩm được công nhận đạt hạng OCOP, trong đó có bốn sản phẩm đạt hạng bốn sao. Để nâng cao chất lượng các sản phẩm, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, huyện khuyến khích các chủ thể đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, chú trọng tới sản xuất hàng hóa, kết nối tiêu thụ bằng nhiều giải pháp khác nhau nhằm củng cố, nâng cao chất lượng, nâng hạng “sao” của sản phẩm ba, bốn sao đã được công nhận. Tăng cường phát triển các sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh, tiềm năng của tiểu vùng như dịch vụ, du lịch; thu hút đầu tư, khuyến khích các chủ thể chế biến sâu các sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ chè, cây ăn quả để tiêu thụ mạnh trong nước và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị của sản phẩm

Ông Văn Thanh Quân – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tập trung khai thác các thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP như: Triển khai một số điểm trưng bày, giới thiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm ở một số khu, điểm du lịch như Khu Di tích lịch sử Đền Mẫu Âu Cơ, đầm Ao Châu…, tạo điều kiện hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia hội chợ làng nghề, các hội chợ trong và ngoài tỉnh kết hợp thúc đẩy giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử… Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng, sản xuất theo quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP; liên kết với các HTX, doanh nghiệp trong và ngoài huyện… để xây dựng chuỗi liên kết, đưa sản phẩm OCOP của huyện ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Quân Lâm

Báo Phú Thọ – baophutho.vn