Du lịch sinh thái của huyện Long Hồ hình thành phát triển từ rất sớm vào những năm đầu thập niên 80 thế kỷ XX trên địa bàn các xã cù lao. Trong đó, mô hình trải nghiệm cùng ăn, cùng làm, cùng ở tại nhà dân (Homestay) của Long Hồ có thể nói là cái nôi của loại hình mang đậm nét đặc trưng của du lịch sông nước miệt vườn Nam bộ.
Trải hơn 30 năm hình thành và phát triển, theo thống kê đến nay cù lao An Bình hiện có 18 cơ sở hoạt động theo loại hình Homestay. Đặc biệt, trong số đó có 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn ASEAN Homestay giai đoạn 2017- 2019; 2019- 2021 và 2023. Chỉ tính riêng năm 2023, tại cù lao này đã có 6 cơ sở Homestay đạt giải Du lịch ASEAN bao gồm: Út Thủy, Sáu Thành, Năm Thành, Ba Lình, Ngọc Phượng và Ngọc Sang. Phát biểu tại lễ vinh danh các homestay đạt giải thưởng ASEAN, ông Võ Trung Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ nhấn mạnh: “Lễ vinh danh là sự kiện quan trọng, nhằm tôn vinh các homestay đạt chuẩn ASEAN trong thời gian qua, tạo điều kiện để các cơ sở homestay gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm tiếp tục nâng cao chất lượng. Qua đó cũng góp phần quảng bá du lịch các xã cù lao An Bình, nhất là loại hình du lịch homestay đến với du khách và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh”.
Bên cạnh mô hình Homestay Long Hồ còn phát triển song song loại hình tham quan vườn cây ăn trái, với 17 nhà vườn kinh doanh dịch vụ chủ yếu phục vụ du khách trong nước tham quan vườn trái cây theo hình thức “bao bụng” kết hợp phục vụ ẩm thực theo yêu cầu của khách du lịch.
Tạm rời cù lao, du khách xuống tàu xuôi dòng Long Hồ lịch sử khoảng 8km từ đầu chợ Vĩnh Long tiếp giáp sông Cổ Chiên đến thị trấn Long Hồ. Trên đường đi, du khách có thể tìm hiểu về những giai thoại thành lập Long Hồ dinh từ thời chúa Nguyễn, xem nếp sinh hoạt của người dân sống dọc 2 bên bờ sông; có thể ghé tham quan các di tích lịch sử cấp quốc gia: Thất Phủ miếu, đình Long Thanh, Văn Thánh miếu, Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và nhiều di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh khác. Đến thị trấn Long Hồ, du khách sẽ được tham quan trải nghiệm quy trình làm nón lá từ làng nghề chằm nón của huyện Long Hồ; hay như làng nghề sản xuất cốm kẹo Cửu Long và cơ sở sản xuất mật ong Hai Nương.
Các dịch vụ bổ trợ như tát mương bắt cá; nghe đờn ca tài tử, xem hát bội tại đình làng; đạp xe khám phá vùng đất cù lao; đi xuồng chèo trải nghiệm trên sông, rạch….cũng thu hút rất đông du khách đến Long Hồ tham quan trải nghiệm. Mặc dù, thời gian qua như những địa phương khác trong cả nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng đến nay du lịch Long Hồ đã từng bước phục hồi và phát triển mạnh. Tính từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Long Hồ đón trên 343.900 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, ước doanh thu đạt hơn 90,5 tỷ đồng.
Trong thời gian tới huyện Long Hồ tiếp tục đẩy mạnh phát triển 2 loại hình du lịch là Homestay nghỉ dưỡng và tham quan vườn cây ăn trái. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực quản lý và kinh doanh du lịch. Đẩy nhanh việc xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng, hiệu quả, trên cơ sở thống nhất về giá dịch vụ, hài hòa về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các thành phần tham gia.
Bài, ảnh: Minh Triết
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Vĩnh Long – vinhlongtourist.vn