Huyện Nông Sơn tổ chức học tập mô hình phát triển kinh tế gắn với vườn đồi tại tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: M.T
Mới đây, HĐND huyện Nông Sơn tổ chức hai chuyến tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế vườn – kinh tế trang trại (KTV – KTTT) ở các tỉnh Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk), đoàn đến thăm vườn sầu riêng sinh thái trong vụ thu hoạch tại thị trấn Phước An và xưởng chế biến, bóc tách, cấp đông sầu riêng tại xã Ea Kênh.
Ông Trần Hồng Tiến – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Krông Pắc cho biết, địa phương có thế mạnh về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với gần 29.000ha cây lâu năm, gồm cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng…
Diện tích sầu riêng gần 7.000ha, có 4.000ha đã cho thu hoạch, dự kiến năm nay thu 80.000 tấn quả. Năm 2022, Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ nhất được tổ chức thành công đã lan tỏa các nét đẹp về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, con người nơi đây, xây dựng và đưa thương hiệu du lịch Krông Pắc đến gần hơn với du khách gần xa.
Cùng với việc phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, địa phương đã đăng ký nhãn hiệu tập thể “Krong pac Durian – Sầu riêng Krông Pắc” cho sản phẩm sầu riêng của huyện, kết nối các nông hộ, tìm đầu ra cho sản phẩm, xúc tiến kết nối một số điểm dịch vụ, du lịch sinh thái.
“Một điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp là phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Có 23 sản phẩm OCOP được xem là các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương” – ông Tiến nói.
Bà Tào Thị Tố Điểm – Phó Chủ tịch HĐND huyện Nông Sơn cho biết, năm 2021, HĐND huyện ban hành Nghị quyết số 57 về hỗ trợ phát triển KTV – KTTT gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025.
Dự kiến hỗ trợ 200 vườn và 5 trang trại với kinh phí hơn 27 tỷ đồng từ ngân sách huyện và nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh. Với Nghị quyết 57, địa phương phấn đấu có khoảng 10% số sản phẩm nông sản từ KTV – KTTT được truy xuất nguồn gốc và áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp sạch; có ít nhất 3 sản phẩm từ KTV – KTTT đạt sản phẩm OCOP…
Thời gian qua, HĐND huyện Nông Sơn tổ chức nhiều đoàn tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển KTV – KTTT ở những địa phương triển khai hiệu quả. Đây là những kinh nghiệm quý để các thành viên trong đoàn về áp dụng vào thực tế của địa phương.
Theo bà Tào Thị Tố Điểm, qua tham quan mô hình trồng cây sầu riêng tại huyện Krông Pắc, nhận thấy Nông Sơn cũng có điều kiện phát triển loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao này.
Thời gian đến, ngành nông nghiệp huyện sẽ đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây sầu riêng, đồng thời tìm nguồn cung cấp cây giống chất lượng để trồng tại địa phương.
Cùng với các loại cây ăn quả đặc trưng của Nông Sơn như bưởi trụ Đại Bình, hường… việc trồng sầu riêng trên đất vườn đồi sẽ giúp hình thành nên các sản phẩm du lịch với các hoạt động tham quan vườn, trang trại, tham gia chăm sóc, thu hoạch trái cây. Từ đó mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Minh Tâm
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn