Phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch ở huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp

Huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), vùng đặc sản cây ăn trái của tỉnh, những năm gần đây, nhờ phát triển du lịch nông nghiệp, ngày càng có nhiều du khách biết, tìm đến tham quan, trải nghiệm. Làn sóng du lịch nông nghiệp đã góp phần đánh thức tiềm năng du lịch vùng cây ăn trái này và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn (bìa phải) thăm, khảo sát điểm du lịch vườn xoài của ông Nguyễn Văn Hậu (bìa trái)

Tìm về sự bình yên…

Cách TP Cao Lãnh khoảng 10km, huyện Cao Lãnh gần đây được nhiều du khách biết đến từ những ảnh chụp của du khách trên mạng xã hội về Lễ hội Xoài Đồng Tháp cũng như cảnh du khách trải nghiệm tại Làng du lịch Mỹ Xương. Khung cảnh rợp bóng mát của vườn xoài hòa vào không gian mây trời, sông nước đã thu hút du khách nhờ vẻ thơ mộng, hiền hòa. Du khách tìm về đây không phải để tận hưởng dịch vụ nghỉ dưỡng tiện nghi, mà để thỏa mãn bản năng sống với thiên nhiên hoang sơ trong mỗi con người…


Du khách trải nghiệm hoạt động tỉa cành cho cây xoài tại Làng du lịch Mỹ Xương

Cùng gia đình có kỳ nghỉ cuối tuần tại huyện Cao Lãnh, với tour du lịch trải nghiệm, thưởng thức những món đồng quê tại các điểm du lịch sinh thái tại Làng du lịch Mỹ Xương, anh Hồ Đình Tú (35 tuổi), du khách đến từ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Từng có cơ hội đến nhiều khu du lịch hiện đại, nhưng những cảm nhận của tôi khi đến nơi này rất khác. Đây không phải nơi mang lại trải nghiệm tiện nghi nhưng tôi cảm thấy rất thích vì tận hưởng được cảm giác trở về với thiên nhiên, sống chậm lại so với nhịp sống hối hả thường ngày”.

Chị Nguyễn Diệu Linh (tỉnh Bình Dương) lần đầu ghé Cao Lãnh, tham gia tour từ Làng du lịch Mỹ Xương di chuyển xuống tàu khám phá sông Tiền – tham gia hoạt động dở chà; tham quan các điểm vườn cây ăn trái…, bảo rằng, hoàn toàn bất ngờ khi ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) có một tour du lịch trải nghiệm thú vị đến thế. Tour du lịch theo hình thức này rất phù hợp với hoạt động trải nghiệm, nghỉ dưỡng của gia đình vào những dịp cuối tuần. “Cao Lãnh đủ sức quyến rũ bất kỳ du khách khó tính nào với vẻ đẹp hoang sơ của mình nếu biết khai thác thêm các sản phẩm và dịch vụ đi kèm”, chị Linh chia sẻ.


Nông dân chế biến món yaourt xoài phục vụ khách tham quan

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh, hiện huyện có gần 10 điểm du lịch nông nghiệp và di tích lịch sử, trong đó các điểm vườn, khu du lịch sinh thái chiếm hơn 2/3. Các điểm vườn trải đều ở các xã trên địa bàn, tập trung nhiều ở xã Mỹ Xương, Bình Thạnh, Mỹ Long… Việc phát triển du lịch không chỉ phát huy được tiềm năng của vườn cây ăn trái mà còn giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập từ khai thác du lịch.

Tiếp tục củng cố mô hình du lịch nông nghiệp

Trồng xoài, bao trái, tỉa cành… những công việc này không quá xa lạ với mỗi gia đình nông dân ở Đồng Tháp. Thế nhưng, đây lại đang trở thành “sản phẩm” do ông Nguyễn Văn Mách – chủ vườn sinh thái Tư Mách (xã Mỹ Xương) phục vụ khách du lịch khi đến với Làng du lịch Mỹ Xương. Gia đình ông làm du lịch từ năm 2022, trước đó làm kinh tế vườn; hiện có 12.000m2 trồng chủ yếu xoài cát chu. Nhưng kinh tế vườn thì phụ thuộc thời giá nên không ổn định. 2 năm nay, nhờ kết hợp làm du lịch nên thu nhập của gia đình ổn định hơn. “Làm du lịch nông nghiệp nên các dịch vụ cũng không quá cầu kỳ, chủ yếu chúng tôi phục vụ du khách bằng những việc làm hằng ngày như: hướng dẫn khách tham quan vườn, giới thiệu đến du khách về quá trình hình thành, canh tác mô hình “Cây xoài nhà tôi”, hướng dẫn cách canh tác, bao trái, thu hoạch xoài; phục vụ các món ăn đồng quê… Những công việc hằng ngày quen thuộc với nông dân nhưng tạo sự thích thú cho du khách, khiến tôi rất phấn khởi. Thời gian tới, tôi cùng các hộ làm du lịch tại Mỹ Xương sẽ củng cố mô hình du lịch và phát triển thêm các dịch vụ để phục vụ tốt hơn cho khách tham quan” – ông Mách cho biết.


Đoàn famtrip chụp ảnh lưu niệm tại điểm du lịch của ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh)

Một trong những điều thú vị của du lịch tại huyện Cao Lãnh, đó là tính cộng đồng. Những người nông dân nơi đây luôn có sự liên kết giữa các hộ gia đình, cùng tham gia các hoạt động và chia sẻ lợi nhuận, không tập trung riêng vào hộ nào. Chẳng hạn, tại tại Làng du lịch Mỹ Xương có 4 hộ tham gia làm du lịch thì hộ này làm dịch vụ tham quan, hộ kia làm sản phẩm về di tích, hộ khác làm dịch vụ ăn uống… Từ đó, tạo sự gắn kết giữa các hộ dân trong một không gian du lịch nông nghiệp.


Du khách thưởng thức món nước ép xoài tại điểm tham quan vườn xoài Mỹ Xương

Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh đánh giá, mô hình kinh tế vườn kết hợp làm du lịch ở huyện Cao Lãnh mang về nhiều lợi ích cho địa phương, vừa phát huy được tiềm năng những vườn cây ăn trái lâu năm, vừa giúp gia tăng giá trị nông sản. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, dù có những tín hiệu tích cực, song du lịch nông nghiệp huyện Cao Lãnh cũng còn không ít khó khăn như: người dân chưa có kiến thức về làm du lịch, hoạt động du lịch vẫn theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, chưa theo bài bản nên chưa tương xứng với tiềm năng vốn có…


Du khách trải nghiệm hoạt động dỡ chà trên sông Tiền (Ảnh Thành Sơn)

 “Việc gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp đã góp phần giúp cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Chính vì vậy, quan điểm của địa phương là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển du lịch. Huyện sẽ áp dụng các chính sách thí điểm khai thác dịch vụ du lịch hỗ trợ người dân; quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức về làm du lịch, tập huấn văn hóa kinh doanh, kỹ năng giao tiếp cho người dân. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch kết nối tour du lịch với Sa Đéc xây dựng nhiều điểm đến cho du khách; hình thành 1 tour 2 ngày 1 đêm tại địa phương để khai thác tối đa hiệu quả du lịch sinh thái tại địa phương trong thời gian tới” – ông Tuấn chia sẻ.

MN
Báo Đồng Tháp Online – baodongthap.vn