Các sản phẩm nông sản hữu cơ, OCOP do nông dân trong tỉnh sản xuất được bày bán tại Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc)
Sản phẩm bưởi Diễn của HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi, xã Đú Sáng được trồng và sản xuất theo quy trình VietGAP. Với nỗ lực trong canh tác, sản xuất để đưa đến người tiêu dùng những nông sản sạch, an toàn, năm 2022, sản phẩm này đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Bùi Thanh Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Kim Bôi cho biết: Bưởi Diễn Đú Sáng được canh tác theo phương pháp hữu cơ, trên nền đất tơi xốp và được bổ sung trùn quế, phụ phẩm nông nghiệp tự ngâm ủ theo kỹ thuật riêng. Sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng đều được chọn lọc kỹ, đóng trong túi lưới với trọng lượng quả từ 800 – 1.200g, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ bưởi ngày càng được mở rộng. Có kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhất là HND tỉnh, huyện luôn động viên, giúp đỡ, hướng dẫn HTX trong việc làm hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm…
Những năm qua, để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động, tích cực tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, tập trung phát triển sản phẩm đặc trưng, OCOP gắn với xây dựng tổ, nhóm hợp tác, phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX được hình thành và phát huy hiệu quả, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm và thu nhập cho nông dân. Theo thống kê của HND tỉnh, trong 5 năm qua (2018 – 2023), Hội đã tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thành lập mới 72 HTX với 586 thành viên, 329 tổ hợp tác với 4.973 thành viên, nâng tổng số HTX lên 226 và 492 tổ hợp tác. Đồng thời, thành lập mới 94 chi hội nông dân nghề nghiệp, 606 tổ hội nông dân nghề nghiệp; tổ chức 24 lớp tập huấn về kinh tế tập thể cho 860 lượt HVND.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho giai cấp nông dân, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ KHKT, tiếp cận với những công nghệ mới trong phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, sản phẩm hàng hóa cũng là nhiệm vụ quan trọng được các cấp Hội tập trung thực hiện hiệu quả. Trong 5 năm, đã có 1.136 lớp tập huấn KHKT về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… được tổ chức cho gần 66.000 lượt HVND. Có 47 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT, 32 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị được hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng. Đặc biệt, Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã xây dựng các mô hình: trồng nho Hạ đen không hạt, lúa Đài Thơm 8, ao cá… tại Trung tâm để tạo điều kiện cho cán bộ, HVND tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm trực tiếp nhằm nhân rộng.
Hỗ trợ hội viên tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường, Hội đã ký Chương trình phối hợp với HND các tỉnh, thành phố để quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; ký kết chương trình phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel chi nhánh Hòa Bình lựa chọn các hộ có sản phẩm bảo đảm chất lượng, VSATTP, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để tập huấn hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, Hội tiếp tục duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn được hỗ trợ thành lập tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm OCOP, nông sản sạch trong và ngoài tỉnh; phối hợp hỗ trợ nông dân sử dụng 750.000 tem truy xuất thông tin và 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đến nay đã có gần 2.980 sản phẩm nông sản, OCOP được đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; 284 sản phẩm lên sàn Voso.vn; gần 1.300 tấn nông sản các loại của HVND được kết nối, hỗ trợ tiêu thụ.
Đồng chí Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ nông sản cho HVND, các cấp Hội đã tích cực lựa chọn những nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương. Cùng với đó, chú trọng tập huấn về VSATTP cho các tổ chức, cá nhân; hoàn thiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh, xây dựng nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Từ hiệu quả của các hoạt động này đã mang lại thay đổi tích cực trong nhận thức của cán bộ, HVND trong tỉnh. Nông nghiệp chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực có chất lượng, thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, nhiều gia đình HVND đã chủ động ứng dụng KHKT vào sản xuất; thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, đem lại thu nhập cao và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động…
Thu Hằng
Báo Hòa Bình – baohoabinh.com.vn