Quảng Ninh: Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng khu vực miền núi, biên giới

Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa phong phú, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) không gian phía Đông của tỉnh tập trung ở các địa phương: Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Móng Cái. Qua đó, tạo nên nét hấp dẫn riêng, góp phần thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.


Du khách tham quan và trải nghiệm ẩm thực tại Hội Kiêng gió vào tháng 5/2023 Ảnh: Nguyễn Dung

Bình Liêu được coi là một trong những địa điểm thu hút đông du khách đến tham quan với nhiều mô hình DLCĐ mang bản sắc của địa phương. Huyện đã triển khai xây dựng các nhóm sản phẩm theo chuyên đề đặc sắc mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Một trong số đó là vườn hoa Bình Liêu – một sản phẩm du lịch lạ, hấp dẫn ở thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, do Hợp tác xã hoa Bình Liêu đầu tư với quy mô 2ha. Đến đây, du khách được hòa mình vào cuộc sống thanh bình, hiếu khách của người dân bản địa, thưởng ngoạn cảnh vật núi non, hít thở không khí trong lành, ngắm muôn màu hoa lung linh khoe sắc. Bên cạnh đó, phong trào đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ đã chính thức đưa vào các lễ hội, chương trình tuần văn hóa – thể thao tạo điểm nhấn không chỉ thu hút du khách mà còn có sức lan tỏa truyền thông mạnh mẽ.

Theo ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bình Liêu, những năm gần đây, lượng khách đến Bình Liêu liên tục tăng, kể cả vào giai đoạn du lịch thấp điểm mùa thu, đông. Để đạt được kết quả đó, huyện đã duy trì hiệu quả nhiều hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch thường niên, như: Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, Lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa sở, Hội mùa vàng… Trên địa bàn đã hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt, tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm nét sinh hoạt cộng đồng của bà con để hiểu hơn giá trị, nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Liêu…

Còn với Ba Chẽ, địa phương sở hữu vị trí đắc địa vừa có núi đồi, sông nước và hội tụ nhiều sắc màu văn hóa của 10 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Hệ thống sông thác, hồ chứa thích hợp cho du khách tham quan, trải nghiệm loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá. Ngoài ra, huyện còn có các di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, có bề dày lịch sử, các loại hình nghệ thuật dân gian và lễ hội độc đáo. Ba Chẽ còn xây dựng các điểm du lịch tham quan mô hình trồng dược liệu ba kích tím, trà hoa vàng… Nhờ vậy, lượng khách du lịch đến địa phương trong năm 2022 ước đạt khoảng 22.000 lượt người; riêng đầu năm 2023 lượng khách ước đạt khoảng 12.000 lượt người.


Phố đi bộ Tiên Yên là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách vào mỗi tối thứ 7 hằng tuần. Ảnh: Xuân Thao (CTV)

Để tiếp tục phát huy nguồn tài nguyên du lịch của địa phương, huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tiếp tục nghiên cứu, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương đã triển khai DLCĐ. Trước mắt, thực hiện tốt công tác Quy hoạch, mang tính chiến lược, lâu dài; chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan du lịch; thay đổi tư duy, đột phá, xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc trưng riêng có của địa phương. Cùng với đó, xây dựng chiến dịch truyền thông, quảng bá cho các địa điểm DLCĐ; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, đơn vị lữ hành. Đặc biệt, chuẩn bị tốt điều kiện, mời gọi sự tham gia liên kết, phát triển các loại hình du lịch của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện…

Đối với huyện Tiên Yên, địa phương đang từng bước xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch, phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm có sự tham gia của cộng đồng… gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Trong đó, huyện đã ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đồng bộ để phục vụ các tuyến điểm du lịch như: Đường nối QL18A với khu du lịch thác Pạc Sủi (xã Yên Than); cải tạo nâng cấp, mở rộng đường từ QL4B đi trung tâm xã Hà Lâu; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên) đến xã Vô Ngại (huyện Bình Liêu); xây dựng kè bờ sông Tiên Yên, cầu Bến Châu… Đồng thời, chỉnh trang phố đi bộ; xây dựng Làng văn hóa dân tộc Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ…

Đặc biệt, để phát huy tiềm năng cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch thúc đẩy phương án phát triển du lịch dọc tuyến cao tốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực du lịch như: Cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí. Bên cạnh đó, tập trung quy hoạch, thu hút nguồn lực đầu tư tạo một số sản phẩm du lịch có quy mô, chất lượng cao dọc tuyến cao tốc như: Trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm của địa phương tại nút giao Mũi Chùa; cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng chất lượng cao đảm bảo đúng các quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Để phát huy lợi thế DLCĐ, cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển DLCĐ bền vững trên địa bàn. Mục tiêu của đề án hướng đến phát triển DLCĐ bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số… góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân, đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy, để việc phát triển các điểm DLCĐ có tính khả thi cao, tránh trùng lặp, đảm bảo sự kết nối với các địa bàn trung tâm du lịch, quan tâm đến chính sách hỗ trợ hạ tầng, đào tạo nghề, hình thành sản phẩm du lịch. Đặc biệt là các mức hỗ trợ ở từng hạng mục cụ thể như: Đường đi lại, nhà vệ sinh, cảnh quan, điểm dừng chân, bãi đỗ xe… Cùng với đó, xây dựng phương án đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; khảo sát ý kiến các hộ dân tham gia. Sở cũng sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng chiến dịch truyền thông cho các địa điểm DLCĐ; có chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp, hãng lữ hành.

Hoàng Quỳnh
Báo Quảng Ninh điện tử – baoquangninh.com.vn