Hòa Bình: Đưa sản phẩm OCOP trở thành những thương hiệu mạnh

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Hòa Bình hiện có 123 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 24 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho sản phẩm OCOP, tỉnh đã triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ các chủ thể ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến sản phẩm, đồng thời tăng cường các hoạt động xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm.


Huyện Lương Sơn giới thiệu sản phẩm OCOP tại Tuần lễ nông sản Hòa Bình tổ chức tại thành phố Hải Phòng từ ngày 19 – 24/7/2023

Là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, sản phẩm măng nứa tươi và măng búp tươi của Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thủy) được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, hiện có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn và được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và EU. Sản phẩm măng nứa tươi, măng búp tươi đã được xếp hạng tiêu chuẩn 4 sao và đang chuẩn bị xây dựng tiêu chuẩn chất lượng 5 sao. Vùng nguyên liệu sản xuất măng đã được phát triển tại các huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Mai Châu…

Với đặc thù là sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu, các sản phẩm luôn được Công ty CP măng Kim Bôi chú trọng khâu bảo quản, sơ chế và liên kết thành lập các cơ sở sơ chế ngay sau khi được thu mua. Song song với đó, công ty đã mở rộng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất theo công nghệ Nhật Bản đạt tiêu chuẩn và quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ áp dụng KHCN vào sản xuất, sản phẩm măng nứa tươi, măng búp tươi và nhiều sản phẩm sơ chế khác từ măng đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, được thị trường quốc tế đón nhận.

Ứng dụng mạnh mẽ KHKT vào sản xuất cũng là hướng đi chính của Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền (TP Hòa Bình) nhằm xây dựng và phát triển sản phẩm chè Shan tuyết Pà Cò đạt tiêu chuẩn 4 sao. Được xác định là cây mang lại giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, chè được chọn là cây trồng chủ lực tại 2 xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu). Để nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Mai Châu đã phối hợp với doanh nghiệp vận động người dân đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đồng thời, thông qua nguồn vốn chương trình MTQG hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến, nâng cấp công nghệ, chế biến chè xanh cao cấp, áp dụng chặt các tiêu chuẩn của một số công đoạn trọng yếu trong chế biến như: hấp, vò chè, sao lăn và phân loại trước khi đóng gói. Chính vì thế, cây chè đã mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân tộc Mông tại Mai Châu.

Hiện nay, không chỉ tại Công ty CP măng Kim Bôi và Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền, nhiều chủ thể đã ứng dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Song song với việc hỗ trợ, ứng dụng KHKT xây dựng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, các chủ thể OCOP đã được tỉnh quan tâm hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, phiên chợ để kết nối giao thương, trưng bày sản phẩm nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng trong cả nước. Thông qua quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được người tiêu dùng nhận diện và tiêu thụ. Theo báo cáo, thông qua các kênh của Hội Nông dân, Liên minh HTX, tỉnh đã tổ chức và tham gia hàng trăm sự kiện trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh đã khai trương gần 20 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP.

Cùng với các phương thức bán hàng truyền thống, chủ thể OCOP chủ động, linh hoạt đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thời gian qua, Bưu điện tỉnh và chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong hành trình đưa nông sản lên sàn TMĐT. Theo đó, Bưu điện tỉnh đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức 25 lớp tập huấn đào tạo kỹ năng đưa sản phẩm lên sàn TMĐT và đưa vào tiêu thụ qua hệ thống Bưu điện trên toàn mạng lưới. Hiện trên 100 sản phẩm OCOP của tỉnh được đưa lên sàn TMĐT Voso.vn và Postmat.vn.

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm OCOP, giúp người dân vùng nông thôn nâng cao thu nhập, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân về Chương trình mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xác định đây là một trong những khâu then chốt tạo động lực thúc đẩy chương trình; ưu tiên và xây dựng mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP.

Mặt khác, tỉnh tiếp tục hỗ trợ chủ thể xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP. Ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, sàn giao dịch điện tử… Từ đó giúp sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh được người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ.

Đinh Hòa
Báo Hòa Bình Điện Tử – baohoabinh.com.vn