‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP. Hồ Chí Minh

Nhiều loại nông sản, đặc sản của các huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng khẳng định được giá trị khi tham gia Chương trình OCOP. “Sao” OCOP giúp các chủ thể sản xuất khẳng định uy tín, tự tin bước ra thị trường lớn.

Nâng tầm đặc sản với “sao” OCOP

Những ngày này, bà Bùi Thị Nghĩa Bình – Phó Giám đốc HTX Cần Giờ Tương Lai (xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ) và toàn bộ 25 thành viên của HTX, người lao động lại tất bật cho mùa kinh doanh cuối năm. Sản phẩm chủ lực của HTX là đặc sản của vùng duyên hải Cần Giờ như cá dứa, tôm sú, tôm thẻ, tôm khô, cá đù, cá lưỡi trâu, bạch tuộc sông… dưới dạng tươi, sấy khô hoặc bảo quản lạnh. Trong đó, đặc biệt nhất là cá dứa – giống cá da trơn hầu như chỉ Cần Giờ mới có và nhắc đến cá dứa, người ta nghĩ ngay đến Cần Giờ.

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 1

Tôm sú, khô cá dứa 1 nắng Cần Giờ

“Hầu hết sản phẩm này của chúng tôi đều đã được TP. Hồ Chí Minh công nhận đạt OCOP 3 – 4 sao. Năm nay, HTX có thêm 6 đặc sản được công nhận OCOP, đây là niềm vui và niềm tự hào lớn”, bà Bình chia sẻ. Theo bà, thực tế, các loại đặc sản trên của HTX thời gian qua đã rất hút khách, tuy nhiên, “sao” OCOP sẽ là một bảo chứng uy tín về độ an toàn, chất lượng so với những sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, từ đó thu hút nhiều khách hàng hơn.

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 2

Các loại đặc sản Cần Giờ

“Chúng tôi cũng có kế hoạch gia tăng sản lượng khi nhu cầu tăng cao. Người lao động địa phương nhờ vậy cũng sẽ có thêm nhiều việc làm. Làm khô cá là ngành nghề truyền thống của bà con Cần Giờ, thấy được sản phẩm của mình làm ra được thị trường đón nhận, được gắn sao OCOP, có cơ hội quảng bá khắp nơi, ai cũng vui và hướng tới sản phẩm ngày càng chất lượng hơn”, bà Bình nói.

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 3

Bột rau sấy lạnh

Huyện Củ Chi, nơi nổi tiếng về vùng trồng rau an toàn tại TP. Hồ Chí Minh, cũng có một sản phẩm OCOP rất đặc biệt, có nguyên liệu chính từ cây rau má. Nhưng, sản phẩm OCOP này không phải ở dạng tươi, mà là bột rau má sấy lạnh.

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 4

Chị Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi), cho biết doanh nghiệp sử dụng công nghệ sấy lạnh hiện đại nhất để giữ nguyên chất dinh dưỡng của rau má. Nhờ vậy, hương vị hầu như không khác so với uống rau má tươi.

“Sau khi sấy lạnh, sản phẩm được đóng thành từng tép hoặc túi lớn, phù hợp nhu cầu của người dùng tại đô thị. Ngoài bột rau má, chúng tôi còn có bột rau diếp cá, bột tía tô, bột chùm ngây, bột lá sen được sản xuất bằng công nghệ sấy lạnh. Các sản phẩm này đều được công nhận OCOP 4 sao, riêng bột rau má đang được đề xuất OCOP 5 sao”, chị Hương nói.

Cô gái trẻ này rất ấn tượng với Chương trình OTOP tại Thái Lan trong một lần đi du lịch. Vì vậy, khi biết TP. Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình, với nguồn nguyên liệu địa phương, chị quyết định đăng ký tham gia. Các sản phẩm OCOP của công ty hiện đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia châu Âu.

Khơi dậy tiềm năng sản phẩm địa phương

TP. Hồ Chí Minh hiện có 66 sản phẩm OCOP (36 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 30 sản phẩm OCOP 3 sao) và 1 sản phẩm đề xuất Trung ương công nhận OCOP 5 sao. Các sản phẩm OCOP hiện nay đều nằm tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh (rau an toàn, hà thủ ô, rượu sâm đinh lăng), Củ Chi (bột rau má, trái cây sấy bơ đậu phộng), Hóc Môn (cà phê nông sản, cà pháo tôm chua, cóc ngâm) và Cần Giờ (cá dứa, xoài cát, tổ yến, mật dừa nước).

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 5

Xoài cát Cần Giờ

Chương trình OCOP TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục xác định các sản phẩm tiềm năng tham gia vào chương trình là sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố gồm rau, hoa – cây kiểng, bò sữa, heo, tôm nước lợ và cá cảnh. Định hướng của thành phố cũng sẽ tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ, ngành nghề, làng nghề nông thôn có thế mạnh của thành phố tham gia vào Chương trình OCOP.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao như khô cá dứa, tổ yến, xoài cát… đã khẳng định được giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương. Đồng thời, chương trình cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX có điều kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường mới trong và ngoài nước.

‘Sao’ OCOP khơi dậy tiềm năng vùng ngoại ô TP.HCM - 6

Mật ong rừng sữa ong chúa Xuân Nguyên

Hiện nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tại các huyện ngoại thành đang tiếp tục có kế hoạch đưa các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm của các làng nghề tham gia OCOP. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hồ Chí Minh, nhận định Chương trình OCOP có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội, giúp khơi dậy giá trị có sản phẩm địa phương, khi triển khai thành công, sẽ hỗ trợ nâng cao thu nhập, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, phát triển bền vững kinh tế khu vực nông thôn.

Hoàng Linh

Tạp chí Du lịch TP. Hồ Chí Minh – https://tcdulichtphcm.vn/