Ninh Bình biến hạn chế thành lợi thế trong phát triển nông nghiệp

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Ninh Bình đã mạnh dạn thử nghiệm, thay thế những cây trồng năng suất thấp bằng giống mới, xây dựng mô hình chuyên sâu trong trồng trọt, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn thổi luồng gió mới, tạo động lực phát triển cho ngành nông nghiệp của tỉnh.
Hàng chục héc-ta đất trồng lúa kém hiệu quả đã được nông dân Ninh Bình chuyển đổi sang trồng sen phục vụ du lịch, cho thu nhập cao. (Ảnh Minh Đường)

Với sự đồng lòng, quyết tâm của các tầng lớp nhân dân, nông nghiệp, nông thôn Ninh Bình đã có bước phát triển khá toàn diện; tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp hình thành và dần thay thế tư duy sản xuất nông nghiệp.

Gắn trồng trọt với du lịch

Đã qua thời điểm hoa sen nở rộ, nhưng trên những đầm sen của gia đình chị Hoàng Liên ở xã Ninh Thắng và Ninh Xuân (huyện Hoa Lư) vẫn thu hút khá nhiều du khách. Chị Liên cho biết: Gia đình có 45 ha sen các loại, trong đó có 35 ha cho thu hoạch hoa và lá, còn 10 ha để khai thác du lịch, sau khi hết mùa hoa thì chuyển sang thu củ. Riêng khoản phí “check-in” tại đầm sen, gia đình thu trung bình từ 100-200 nghìn đồng/khách/ngày, mang lại thu nhập gấp nhiều lần trồng lúa, kinh tế gia đình ngày càng khá lên.

Hoa Lư là huyện nằm ở vùng bán sơn địa, có những dãy núi đá vôi ngập nước được hình thành từ hàng triệu năm trước, tạo nên những cảnh quan kỳ vĩ làm say đắm lòng người như: Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoa Lư Phạm Thái Thạch cho biết, huyện có lợi thế về phát triển du lịch, song lại là hạn chế đối với phát triển nông nghiệp. Chính vì vậy, chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với phục vụ du lịch được chính quyền và người dân nơi đây chung tay thực hiện, nhằm biến hạn chế thành lợi thế. Điển hình là việc chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác và nuôi con đặc sản, gắn với phát triển du lịch sinh thái, điển hình là trồng sen Nhật Bản phục vụ du lịch.

Đến nay, Hoa Lư đã có hàng chục héc-ta trồng sen Nhật Bản, tập trung ở những xã có tiềm năng du lịch như Ninh Hải, Ninh Xuân, Ninh Thắng, Trường Yên. Mỗi năm, sen ra hoa ba vụ, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11; khi sen vào mùa nở rộ, đẹp nhất (tháng 5 và 6), các đầm sen nô nức đón khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm từ sáng sớm, trong đó có cả du khách quốc tế cũng say sưa khám phá nét đẹp riêng có của mùa sen Ninh Bình. Từ cây sen, nông dân nơi đây còn sản xuất các sản phẩm như: Trà hoa sen sấy lạnh, củ sen, hạt sen, bánh kẹo làm từ hạt sen…

Nhờ đó, nhiều đầm sen cho giá trị kinh tế rất cao, từ 400-500 triệu đồng/ha; trung bình cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha, cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa. Mới đây, cây sen trồng trên đất Hoa Lư được gắn nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Sen Hoa Lư-Ninh Bình”, danh tiếng và chất lượng gắn liền với địa danh vùng đất Cố đô Hoa Lư, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch, thúc đẩy ngành kinh tế xanh Ninh Bình phát triển.

Hiệu quả từ sự “đồng lòng”

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Bình Đinh Văn Khiêm, thuận lợi là tỉnh Ninh Bình liên tục có chính sách tạo điều kiện, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất của ngành có sự tăng trưởng liên tục qua các năm; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 150 triệu đồng. Đóng góp vào kết quả chung đó là nhiều mô hình, dự án trồng trọt được triển khai, đạt hiệu quả cao, được nhân rộng trong tỉnh, trở thành chương trình mang tính lan tỏa. Hiện tại, lĩnh vực trồng trọt có 257 mô hình, trong đó 148 mô hình thực hiện hiệu quả tiêu biểu được nhân rộng trở thành chương trình trồng trọt của tỉnh.

Tiêu biểu như chương trình liên kết sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ, theo chuỗi giá trị, với quy mô ban đầu gần 16 ha, đến nay đã nhân rộng được hơn 1.000 ha trên địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đã áp dụng kỹ thuật canh tác cải tiến, sử dụng phân bón hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa (mạ khay, máy cấy), tiết giảm được công lao động, giảm sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc bươu vàng, tạo dòng sản phẩm sạch, hiệu quả cao hơn lúa sản xuất thường từ 10-15%.

Diện tích sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao của Ninh Bình cũng liên tục tăng, đến nay đạt 75% diện tích đất trồng lúa trên địa bàn.

Bên cạnh đó là chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, đến nay đã chuyển đổi khoảng 6.000 ha, trong đó, chuyển sang trồng cây rau các loại cho giá trị sản xuất từ 300-400 triệu đồng/ha/năm; chuyển sang trồng cây lâu năm trên chân đất khô hạn, không chủ động nước tưới, chỉ trồng được một vụ, giá trị sản xuất đạt từ 230-800 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài ra, nông dân trong tỉnh còn thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, tập trung chủ yếu trên diện tích đất hai vụ lúa và đất một vụ lúa sâu trũng tại các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, thành phố Tam Điệp. Con nuôi thủy sản là các loại cá truyền thống, như: trắm, chép, chạch sụn; giá trị sản xuất đạt từ 200-450 triệu đồng/ha/năm.

Chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hằng năm kết hợp nuôi thủy sản, cây ăn quả kết hợp nuôi thủy sản, trồng sen phục vụ du lịch kết hợp nuôi thủy sản, cho giá trị từ 1-1,2 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 450-500 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, các mô hình, chương trình trồng trọt mà tỉnh Ninh Bình triển khai, hiệu quả kinh tế đã rõ; đó còn là điều kiện để cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, thúc đẩy liên kết “bốn nhà” là Nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp, từng bước chuyển đổi nhận thức sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành cách thức hợp tác tự nguyện, cùng mục tiêu, tăng tinh thần đoàn kết cộng đồng; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống sức khỏe, vật chất và tinh thần, tạo động lực để nông dân tiếp tục mở rộng diện tích, là tiền đề để mở rộng sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao theo hướng hữu cơ của tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy để khắc phục những bất cập là nhiều mô hình trồng trọt đã được thực hiện hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng hoặc nhân rộng chưa nhiều; kịp thời chuyển đổi, thay thế các mô hình không hiệu quả để bảo đảm tăng hiệu quả sử dụng đất, cải thiện đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Văn Lúa và Xuân Trường
Báo Nhân dân- nhandan.vn