Bắc Kạn: Pác Nặm tập trung phát triển các sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP), huyện Pác Nặm chỉ đạo các địa phương khai thác sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, tạo cơ hội để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Năm 2022, được cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền về Chương trình OCOP, gia đình chị Cà Thị Bầy, ở thôn Cọn Luông, xã Xuân La đã đăng ký tham gia với sản phẩm rượu ngô men lá và được cấp có thẩm quyền đánh giá, phân hạng sản phẩm 3 sao cấp tỉnh.


Rượu ngô được làm từ men lá truyền thống


Rượu ngô men lá Bầy Thấm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh

Chị Bầy chia sẻ: “Từ khi sản phẩm rượu ngô men lá Bầy Thấm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, cơ sở được huyện hỗ trợ, hướng dẫn đăng ký kinh doanh, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu… Nhờ đó, nhiều khách hàng biết đến sản phẩm, thị trường tiêu thụ được mở rộng, sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Rượu ngô được đóng hộp, vận chuyển đi nhiều tỉnh thành từ Bắc tới Nam. Với giá bán từ 25 – 30 nghìn đồng/lít, trong năm cơ sở bán ra thị trường trên 2.000 lít rượu, sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 100 triệu đồng. Thời gian tới, tôi có dự tính mở rộng thêm quy mô sản xuất.”


HTX Giáo Hiệu có nhiều sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh


Đóng gói sản phẩm bán ra thị trường

Hợp tác xã Giáo Hiệu, có địa chỉ tại thôn Nà Hin, xã Giáo Hiệu hiện có 04 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh là: Trà bí đao Giáo Hiệu, Trà bí đao Giáo Hiệu – Trà túi lọc, Bột nghệ nếp Giáo Hiệu, Trà mướp đắng rừng Giáo Hiệu. Trong năm 2022, với tổng kinh phí được hỗ trợ gần 950 triệu đồng, trong đó HTX đối ứng hơn 540 triệu đồng, HTX thực hiện dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bí xanh, mướp đắng rừng và nghệ trên địa bàn các xã trong huyện; tổ chức sản xuất được 4,4ha bí xanh thơm, 02ha mướp đắng rừng và 3,6ha nghệ với 180 hộ liên kết sản xuất, tạo thu nhập cho nhiều hộ dân.

Bà Lê Thị Lương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Pác Nặm cho biết: Thực hiện Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, những năm qua, huyện đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, có nhiều biện pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia; tăng cường hỗ trợ các xã thực hiện các đề án, dự án liên kết phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, chuẩn hóa các tiêu chí sản phẩm OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình kết nối, quảng bá các sản phẩm rộng khắp ra thị trường như tổ chức tập huấn giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tham gia trưng bày sản phẩm tại các hội chợ nông sản, các lễ hội lớn của địa phương…

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên hiện nay huyện mới chỉ có 09 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao trở lên, do chưa có địa phương xây dựng vùng trồng nguyên liệu tập trung, cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, những sản phẩm OCOP của huyện phát triển thành hàng hóa với số lượng lớn không có nhiều, nguồn cung hàng hóa chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường…

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung nguồn lực đầu tư cho các chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, kêu gọi sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, phát triển một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn; đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; tập trung quy hoạch các vùng sản xuất an toàn, đăng ký mã vùng trồng các sản phẩm chủ lực của huyện… Từ đó, tạo ra sản phẩm đặc hữu, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn./.

Thanh Hảo

Báo Bắc Kạn – baobackan.com.vn