Du lịch canh nông ở vùng nam đồng bằng sông Hồng

Bốn địa phương vùng nam đồng bằng sông Hồng là Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình đã và đang từng bước khai thác thế mạnh được thiên nhiên ưu đãi để phát triển du lịch canh nông (nông nghiệp-nông thôn).


Du khách quốc tế trải nghiệm nghệ thuật rối nước truyền thống cùng các nghệ nhân-nông dân tại xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (Nam Định). (Ảnh Xuân Khánh)

Việc khai thác tiềm năng, lợi thế vượt trội nêu trên cũng là một trong những giải pháp căn cơ để đưa Nghị quyết số 30-NQ/TW (ngày 23/11/2022) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuộc sống.

Sản phẩm du lịch mới lạ!

Ở thị trấn Yên Định, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), những năm gần đây xuất hiện nhiều khách du lịch quốc tế trải nghiệm sản phẩm du lịch OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao của Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Ecohost (gọi tắt là Ecohost).

Chị Bùi Thị Nhàn, Giám đốc điều hành Ecohost cho biết: Tại cuộc thi “Sáng kiến hỗ trợ khởi nghiệp du lịch vùng Mekong” do Chính phủ Australia và Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức cách đây chưa lâu, Ecohost giành vị trí thứ hai về sản phẩm du lịch tái dựng những ngôi nhà truyền thống vùng nông thôn Bắc Bộ để phục vụ du khách quốc tế lưu trú, cùng với tham quan làng nghề, trải nghiệm làm món ăn đặc sản địa phương.

Trưởng phòng Quản lý du lịch thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định Trần Thị Thu Thủy cho biết: “Nam Định có 75% dân số sống ở nông thôn. Đó là nơi có hàng trăm di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề truyền thống. Nổi bật về du lịch sinh thái, du lịch đồng quê là: Vườn quốc gia Xuân Thủy; vùng đất ngập nước cửa sông Đáy, sông Ninh Cơ; cùng nhiều cánh đồng muối ở các huyện ven biển. Tiềm năng lợi thế lớn, song việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Nam Định còn nhiều hạn chế và mới chỉ có Ecohost làm du lịch nông nghiệp đạt hiệu quả cao”.

Đến với tỉnh Ninh Bình, du khách không chỉ được thưởng ngoạn Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An – điểm đến được các chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn, thân thiện, tuyệt vời nhất năm 2023.

Tại đây, du khách còn được khám phá những nét văn hóa bản địa độc đáo qua nhiều lễ hội truyền thống ở Cố đô Hoa Lư; trải nghiệm các tour “Du khảo đồng quê”; “Một ngày làm nông dân” (ở Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà thuộc huyện Nho Quan); trải nghiệm sử dụng các loại nông cụ truyền thống (nơm, dậm, cày, gầu giai…) để bắt cá, cày ruộng, tát nước, nhổ mạ, cấy lúa, trồng hoa màu, thu hoạch nông sản…

Một mô hình khác về du lịch nông nghiệp mà giới trẻ đam mê check-in là những đồi dứa mênh mông, xanh ngút tầm mắt ở thành phố Tam Điệp. Vào mùa thu hoạch, du khách có thể bẻ dứa cùng nông dân và thưởng thức những trái dứa ngọt lịm, thơm lừng.

Ai đó thích vùng “bồng lai tiên cảnh” thì đến Tam Cốc-Bích Động ở huyện Hoa Lư (được mệnh danh là Hạ Long trên cạn) để được chèo thuyền lướt nhẹ trên sông Ngô Đồng uốn lượn bên cánh đồng lúa; cùng chụp ảnh lưu niệm giữa những đầm sen nở hoa giữa non nước hoang sơ…

Trong số nhiều mô hình du lịch nông nghiệp, thì Khu du lịch sinh thái Vân Long ở huyện Gia Viễn (Nình Bình) hình thành khá sớm, thu hút nhiều du khách quốc tế đến trải nghiệm vùng đất ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ.

Ông Trần Văn Quang, ở Khu du lịch sinh thái Vân Long cho biết: “Du lịch nông nghiệp tạo điều kiện cho nông dân có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn hẳn so với làm nông nghiệp thuần túy”.

Cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ tạo môi trường sống trong lành cùng với những nét đẹp văn hóa bản địa được phát huy, nên du lịch nông nghiệp mở ra hướng đi mới cho người dân. Tuy nhiên, du lịch canh nông ở Ninh Bình mới dừng ở cấp độ tự phát, chưa có định hướng phát triển đồng bộ, thiếu sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc sắc, độc đáo.

Tại Thái Bình, chị Nguyễn Thị Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài (huyện Hưng Hà) cho biết: “Hợp tác xã đã trồng được 16 loại sen trên vùng đất trũng trước kia canh tác lúa kém hiệu quả. Mùa du lịch cao điểm ở đây bắt đầu từ tháng 6, ngày nào cũng có trên một nghìn lượt du khách đến trải nghiệm không gian đầm sen với nhiều loài sen quý. Sen ánh dương, sen phượng hồng, sen hoàng yến… khoe hương sắc của hoa, của lá. Sau trải nghiệm check-in trên đầm sen là thưởng thức ẩm thực các đặc sản chế biến từ sen: chè sen, tinh bột củ sen, sữa hạt sen, ngó sen xào, xôi sen, nộm sen… Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài đang nỗ lực quảng bá, giới thiệu mô hình du lịch nông nghiệp còn khá mới mẻ và chính quyền huyện Hưng Hà đã hỗ trợ để hình thành tour du lịch khép kín, kết nối các điểm đến: Hoa Sen Vân Đài-Bảo tàng nông cụ (xã Điệp Nông)-Mỏ nước khoáng (xã Duyên Hải)-Khu lưu niệm nhà Bác học Lê Quý Đôn (xã Độc Lập)-Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Trần. Tuy nhiên, theo ngành chức năng tỉnh Thái Bình, hiệu quả từ du lịch nông nghiệp, nông thôn của tỉnh chưa cao. Nguyên nhân là cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu; số dự án đầu tư du lịch nông nghiệp chưa nhiều, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp.

Thời điểm này, du lịch nông nghiệp ở tỉnh Hà Nam đã thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm, tập trung vào các xã Trác Văn, Mộc Bắc, Chuyên Ngoại, Mộc Nam (thị xã Duy Tiên). Đây là các xã có cảnh quan, kiến trúc đặc trưng của làng Việt cổ và có nhiều mô hình trồng rau hữu cơ, trồng nho, trồng sen; có làng nghề quay tơ dệt lụa hàng trăm năm tuổi.

Đặc biệt, ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân có nhà Bá Kiến (nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo nổi tiếng của nhà văn Nam Cao)…, đã và đang tạo động lực khơi thông dòng chảy du lịch nông nghiệp ở mỗi làng quê vùng châu thổ sông Hồng.


Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài (Thái Bình) nỗ lực quảng bá mô hình du lịch nông nghiệp. (Ảnh Mai Tú)

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Theo các chuyên gia du lịch và nhà nghiên cứu văn hóa, các tỉnh vùng nam đồng bằng sông Hồng có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, chủ yếu là đất phù sa màu mỡ. Đây là vùng có trình độ thâm canh khá cao, điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm rất thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp và du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Vài năm gần đây, nhiều du khách trong nước, quốc tế thích lựa chọn du lịch nông nghiệp, nông thôn như một trải nghiệm mới lạ. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch giá rẻ tại khu vực có cảnh quan hoang sơ tươi đẹp ở vùng nông thôn gia tăng.

Nắm bắt cơ hội đó, các địa phương vùng nam đồng bằng sông Hồng xác định rõ chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tỉnh Hà Nam định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, du lịch nông nghiệp, nông thôn trở thành một trong những dòng sản phẩm chính.

Tỉnh Thái Bình cũng kịp thời phê duyệt “Đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn 2030”. Theo đó, Thái Bình sẽ phát triển từ 80 đến 85 điểm sản xuất nông nghiệp có nét đặc trưng riêng; đồng thời, dự kiến giao cho ngành chức năng sử dụng gần 5.000ha rừng ngập mặn, đất ngập nước ven biển để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và tạo sinh kế cho người dân thông qua hoạt động du lịch nông nghiệp; thành lập từ 3 đến 5 hợp tác xã du lịch nông nghiệp để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế.

Mới đây, tỉnh Ninh Bình đã đưa vào trồng thử nghiệm vườn hoa hướng dương ở xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh); hỗ trợ trồng sen Nhật Bản tại các xã Ninh Hải, Ninh Thắng; trồng nho ở xã Ninh Giang (đều thuộc huyện Hoa Lư). Những nỗ lực, cố gắng đó là nhằm tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, có sức hút du khách, góp phần nâng cao giá trị trên diện tích đất canh tác, cải thiện thu nhập cho người dân.

Tỉnh Nam Định đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ chuẩn hóa các điểm đến du lịch nông nghiệp; phấn đấu có ít nhất hai điể m du lịch nông nghiệp được công nhận; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt chuẩn; 70% chủ cơ sở du lịch nông nghiệp được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông nghiệp được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng du lịch. Nam Định cũng sẽ thực hiện thí điểm một số mô hình du lịch nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị nông nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP cùng chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc cho rằng: Các địa phương trong vùng cần tập huấn nâng cao năng lực cho người dân làm du lịch nông nghiệp; đầu tư các mô hình thí điểm trình diễn du lịch nông nghiệp làm cơ sở thúc đẩy người dân tham gia quản lý, bảo tồn cảnh quan nông thôn, giữ gìn bản sắc nền văn minh lúa nước; tăng cường đầu tư các khu nghỉ dưỡng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền, sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, mới lạ để cạnh tranh.

Các địa phương vùng nam đồng bằng sông Hồng cần tạo ra các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng, tránh trùng lặp; xây dựng các trung tâm giới thiệu nông sản có giá trị khác biệt để phục vụ khách du lịch. Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình khẳng định: Truyền thông, quảng bá hình ảnh nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm nông nghiệp cũng rất cần thiết, không chỉ bảo đảm cho việc phát triển du lịch nông nghiệp, làm đa dạng sản phẩm du lịch, cải thiện đời sống nông dân; mà còn đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trong vùng nam đồng bằng sông Hồng.

Hồng Khánh và Phương Tú
Báo Nhân dân điện tử – nhandan.vn