Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang, cho biết: An Giang được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ bậc nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa hằng năm thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đồng thời, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Đây là tiền đề thuận lợi để các sản phẩm “sinh ra từ làng” có điều kiện phát triển, kết nối với hoạt động du lịch của các địa phương.
Tính đến tháng 7/2023, tỉnh An Giang có 81 sản phẩm đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên (giảm 07 sản phẩm do hết hạn chứng nhận và ngừng sản xuất) ở 11 huyện, thị xã, thành phố; trong đó có 02 sản phẩm đạt 5 sao – cấp Quốc gia, 15 sản phẩm đạt 4 sao, 64 sản phẩm đạt 3 sao.
Về cơ cấu: Nhóm, ngành thực phẩm có 57 sản phẩm (chiếm 70,37%), nhóm đồ uống 21 sản phẩm (chiếm 25,93%) và nhóm thủ công mỹ nghệ – trang trí 03 sản phẩm (chiếm 3,70%).
Về chủ thể, có 52 chủ thể sản xuất kinh doanh có sản phẩm OCOP, trong đó: 06 hợp tác xã (chiếm 11,53%), 20 doanh nghiệp (chiếm 38,47%) và 26 cơ sở sản xuất kinh doanh (chiếm 50%).
An Giang có 02 sản phẩm OCOP 4 sao là Đường thốt nốt bột của Công ty Phát triển đặc sản vùng miền Trần Gia và sản phẩm Tương hột của Công ty Sản xuất thương mại Thanh Hồ được chọn là sản phẩm OCOP tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thăm Gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh.
Dự kiến đến năm 2025, An Giang sẽ nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Tỉnh phấn đấu có ít nhất 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
An Giang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 30% số chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; có ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Phấn đấu có 100% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử… Mỗi huyện, thị xã, thành phố có 01 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch tại địa phương…
Tỉnh An Giang có một số tuyến du lịch làng nghề nổi tiếng đang dần hoàn thiện và phát triển để đáp ứng nhu cầu khách du lịch, như: dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm Châu Giang – Châu Phong (Tân Châu), nghề rèn và bánh phồng (thị trấn Phú Mỹ – Phú Tân), nghề mộc ở Chợ Mới, làng bè nuôi cá ở Long Xuyên, nghề làm nhang ở Bình Đức – Long Xuyên. Ngoài ra, còn có một số làng nghề đang được vực dậy đưa vào du lịch như nghề làm đường thốt nốt của người Khmer, nghề tráng bánh phồng mì của người Kinh (Tri Tôn).
Một số sản phẩm OCOP của An Giang.
Các địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở An Giang như: rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo (Tịnh Biên), khu du lịch sinh thái Mỹ Hòa Hưng – Long Xuyên, du lịch sinh thái lòng hồ Tân Trung (Tân Trung – Phú Tân), vườn dâu tằm Mỹ Khánh (Mỹ Khánh – Long Xuyên).
Tại An Giang, chợ nổi lại có một nét thu hút rất đặc biệt, phản ánh một cách rõ nét cuộc sống mưu sinh của người dân trên miền sông nước bình dị và dân dã. Chợ nổi thường họp từ rất sớm, khoảng từ 5h30 và kết thúc khoảng 8 – 9 giờ.
An Giang có thể định hướng phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn như: Farmstay dưới thung lũng vùng Bảy Núi (Thung lũng núi Tô, Tri Tôn); vườn cây ăn trái lâu năm trên đồi núi; homestay vườn lan; làng bè nuôi cá trên sông (Châu Đốc); nông nghiệp lúa nước; du lịch mùa nước nổi; cánh đồng hoa dừa cạn (thuốc Nam)…
An Giang trưng bày các sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang thông tin thêm: An Giang thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021 – 2025 với chỉ tiêu trọng tâm là đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có thêm 170 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó thêm 10 sản phẩm OCOP đạt 5 sao – cấp quốc gia. Trước đó, siêu thị Tứ Sơn (TP.Châu Đốc) đã khởi công xây dựng Trung tâm Thương mại đặc sản các vùng miền Việt Nam với tổng vốn đầu tư 66 tỷ đồng, kỳ vọng là điểm đến mới phục vụ du khách đến tham quan, mua sắm.
“Mục tiêu phấn đấu của tỉnh An Giang đặt ra cho thời gian tới là tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP để nâng cao chất lượng các sản phẩm, khơi dậy tiềm năng, đồng hành với phát triển du lịch nông thôn, nhằm tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân trên địa bàn tỉnh; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan môi trường tại nông thôn”, ông Nguyễn Sĩ Lâm nói./.
Nguyễn Văn Bớt – Lê Thanh Tùng
Tạp chí điện tử Kinh tế nông thôn – kinhtenongthon.vn