Thực tế hiện nay sản phẩm gốm cổ Yang Tao làm ra ít mang tính ứng dụng và giá trị kinh tế thấp, trong khi các nghệ nhân phải tốn nhiều công sức để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh. Bởi vậy, địa phương xác định việc tiêu thụ sản phẩm gốm không phải để phục vụ đời sống hằng ngày mà coi như đây là sản phẩm du lịch thì mới có thể bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề này.
Vừa qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030 tại buôn Dơng Băk (xã Yang Tao, huyện Lắk) đã mở ra cơ hội phát triển cho du lịch làng nghề gốm cổ Yang Tao.
“Truyền lửa” nghề
Hiện nay, làng gốm cổ Yang Tao chỉ còn khoảng 5 – 6 nghệ nhân giữ gìn nghề truyền thống của người M’nông R’lăm. Bởi vậy, muốn bảo tồn gốm cổ gắn với du lịch thì cần “hồi sinh” làng nghề truyền thống này. Hơn hai tuần qua, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch đã tổ chức lớp học dạy nghề làm gốm với mục đích “truyền lửa” cho thế hệ sau giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Lớp học đã thu hút hơn 20 học viên là phụ nữ tại địa phương đang ở nhà nội trợ, có hoàn cảnh khó khăn. Họ thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều chung mục đích gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Học viên thực hành làm nghề gốm cổ Yang Tao (huyện Lắk) |
Trước kia gia đình chị H’Út Kmăn (SN 1992, buôn Dơng Băk) từng sinh sống bằng nghề làm gốm cổ truyền thống. Theo thời gian, gốm cổ không còn được ưa chuộng nên ông bà, bố mẹ chị đã bỏ nghề. Bởi vậy, cách làm gốm cổ đối với H’Út chỉ tồn tại trong ký ức thuở bé mà chưa một lần được thực hành. Hay tin lớp học được tổ chức, H’Út đã háo hức đăng ký tham gia. Chị bày tỏ, ban đầu tham gia lớp học, nghe các nghệ nhân hướng dẫn lý thuyết những tưởng đơn giản, nhưng khi bắt tay vào làm, chị cảm thấy rất khó khăn. Từ khâu lựa chọn đất sét để làm gốm đến bước giã đất đều phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng, uyển chuyển và tất cả phải thực hiện đúng kỹ thuật. Khó khăn là vậy nhưng đều đặn mỗi sáng, chị đều thu xếp công việc nhà, đến lớp học sớm nhất để thực hành. Bởi theo chị, học làm gốm cổ thành thạo không chỉ vì có cái nghề mà còn để tiếp nối “lửa nghề” truyền thống của dân tộc mình.
Là một trong số ít những người được ông bà dạy làm gốm từ nhỏ, khi tham gia lớp học, chị H’Thuyên Uông (SN 1976, buôn Dơng Băk) đã biết sơ qua về làm nghề gốm. Tuy nhiên, trải qua thời gian dài ít tập luyện nên sản phẩm chị làm ra không được đẹp như sản phẩm của các nghệ nhân. Chính vì vậy, được tham gia lớp học dạy làm gốm chị rất vui mừng bởi có cơ hội trở thành “truyền nhân” của làng gốm cổ. Chị bộc bạch: “Trước kia, tôi học từ bố mẹ làm các sản phẩm gốm đơn giản để sử dụng trong gia đình như nồi nấu cơm, bát đựng canh… Sau khi tham gia lớp học, được các nghệ nhân tận tình chỉ dạy, tôi đã tự tin làm được những sản phẩm mỹ nghệ có “hồn” và đẹp hơn. Tôi sẽ cố gắng thực hành nhiều hơn để trở thành nghệ nhân làm gốm giỏi nhằm truyền dạy lại nghề truyền thống của đồng bào mình cho con cháu sau này”.
Gắn gốm cổ với du lịch
Theo ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, Dự án 6 được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo của người dân địa phương. Đây là cơ hội để nghề gốm của người M’nông R’lăm ở Yang Tao phát triển. Từ lớp học truyền nghề sẽ giúp địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, sẽ góp phần phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, giúp cải thiện, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Khách du lịch trải nghiệm làm gốm cổ Yang Tao |
Tuy nhiên, để gắn gốm cổ với du lịch không phải là câu chuyện “một sớm một chiều” mà cần có chiến lược “dài hơi”. Bởi thực tế, một khi đã vực dậy được làng gốm thì điều quan trọng nữa là phải thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Chính vì vậy, ông Y Thơ Mlô, Phó Chủ tịch UBND xã Yang Tao cho rằng, để triển khai Dự án 6 hiệu quả cần có sự vào cuộc của các ban, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao năng lực tổ chức và quản lý sản xuất. Bước tiên quyết là phải quảng bá sản phẩm gốm bằng cách tiếp cận thị trường, thiết kế nhãn mác, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện tham gia các chương trình thương mại… Từ đó tạo dựng niềm tin cho người dân về việc phát triển nghề làm gốm cổ trong tương lai sẽ mang lại lợi ích kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định để họ tiếp tục giữ “lửa nghề”. Phải làm sao để du khách khi đến với huyện Lắk không chỉ vì cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, chèo thuyền độc mộc, thưởng thức ẩm thực, sản vật địa phương… mà còn bởi muốn khám phá, trải nghiệm với nghề gốm cổ thủ công duy nhất trên vùng đất Tây Nguyên.
Khánh Huyền
Báo Đắk Lắk điện tử – baodaklak.vn