Vĩnh Phúc: Nhân lên những mô hình nông nghiệp trải nghiệm

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành Nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đã sáng tạo để phát triển mô hình nông nghiệp gắn với hoạt động giáo dục trải nghiệm và du lịch sinh thái. Từ thực tế cho thấy, đây là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường.


Trang trại nông nghiệp TACA Farm, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc luôn thu hút học sinh nhiều trường học trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm 

Những ngày giữa tháng 4, trên diện tích 4ha của trang trại nông nghiệp TACA Farm thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ TACA, xã Hồng Phương, huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) luôn nhộn nhịp khách tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm hoạt động trồng và thu hoạch cà chua, cà rốt, khoai tây, dưa chuột… Để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu, Hợp tác xã đã trang trí thêm tiểu cảnh, lắp đặt chòi nghỉ, lều trại nhiều vật dụng trong vườn gắn liền với đời sống làng quê để thu hút khách du lịch. Anh Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ TACA cho biết: “Xã hội phát triển, nhu cầu du lịch nông nghiệp, giáo dục trải nghiệm nông nghiệp và nhu cầu sử dụng nông nghiệp hữu cơ ngày càng tăng cao. Đón đầu xu thế đó, ngay từ đầu gia đình tôi đã lựa chọn phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch canh nông, giáo dục trải nghiệm là hướng phát triển. Ðây cũng là cách đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm, tăng thêm uy tín, thương hiệu, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho Hợp tác xã”.

Khách đến tham quan tại TACA Farm chủ yếu là học sinh các trường học trong và ngoài tỉnh, các bạn trẻ và gia đình đưa con đi khám phá, trải nghiệm. Được biết, chỉ tính riêng mức thu 99.000 đồng/lượt vào tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm, mỗi tháng trung bình TACA Farm đón khoảng gần 1.000 lượt khách đã thu về khoảng gần 100 triệu đồng. Chưa kể nguồn thu nhập mang lại từ việc bán nông sản trực tiếp cho khách cũng như nguồn thu từ dịch vụ ăn uống đi kèm. Đây là mức thu nhập cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp đơn thuần, truyền thống.

“Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giáo dục trải nghiệm của trang trại, trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh thêm một số hạng mục; tăng cường hợp tác liên kết với các trường học trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, quảng bá và thu hút học sinh, sinh viên đến trải nghiệm”, anh Cường, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ TACA cho biết thêm.

Đồng chí Phan Thị Định, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, thời gian qua, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy tiềm năng, thế mạnh để thực hiện và mở rộng quy mô, diện tích. Trong đó có nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn, sáng tạo hình thành được mô hình vừa phục vụ tổ chức sản xuất nông nghiệp sạch, vừa kết hợp với du lịch sinh thái cho Nhân dân và du khách trong, ngoài tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, các mô hình nông nghiệp du lịch của các hợp tác xã đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Trung ương về nông dân, nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn mới”.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, việc các hợp tác xã tận dụng thế mạnh của mô hình nông nghiệp để thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm đang giúp các địa phương phát huy sức mạnh của tập thể và tiếp tục đổi mới tư duy, tổ chức cách thức hoạt động của hợp tác xã theo cơ chế thị trường phù hợp với nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, có lợi và phát triển. Tuy nhiên, muốn duy trì mô hình lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư, phát triển được sản phẩm chất lượng, cung cấp dịch vụ hấp dẫn du khách và liên tục đổi mới. Bên cạnh đó, các mô hình phải nghiên cứu phát triển theo định hướng quy hoạch của địa phương, gắn với chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn, có như vậy mô hình mới phát triển bền vững, góp phần tăng thu nhập của người làm nông nghiệp.

Với diện tích đất canh tác nông nghiệp khá lớn, cùng hệ thống hệ thống sông, ngòi, đầm hồ phong phú, địa thế đẹp, tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, kết hợp du lịch sinh thái, du lịch hữu cơ. Trong thời gian tới, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương. Từ đó, đa dạng các nguồn thu và gia tăng thu nhập thông qua bán các sản phẩm nông nghiệp, góp phần quảng bá cho sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh và thúc đẩy kinh tế nông thôn. Qua đó, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững; đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.

Khắc Trí
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn