Vĩnh Phúc: Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch sinh thái

Những năm gần đây, mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái được nhiều du khách lựa chọn, hướng tới. Vì thế, nhiều địa phương, doanh nghiệp, cá nhân ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, tận dụng lợi thế ở địa phương để phát triển các mô hinh sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hình thức Homestay ở Tam Đảo, Famstay ở Phúc Yên và một số nông trại có kết hợp dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp cho du khách ở nhiều địa phương. Ngoài nghỉ dưỡng, giúp tinh thần thư thái, khi đến các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, du khách còn được hòa mình vào thiên nhiên, được tự tay trồng và thu hoạch hoa, quả… Từ đó, góp phần phát triển, quảng bá du lịch, giải quyết được bài toán đầu ra cho các loại nông sản với giá cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, giúp hộ dân làm giàu chính đáng.


Mô hình nông nghiệp trải nghiệm của Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ Xuân Trường có nhiều điểm check-in thú vị

Anh Lê Khắc Hanh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại và dịch vụ Xuân Trường, xã Đức Bác – một trong những hộ đầu tiên phát triển mô hình nông nghiệp trải nghiệm ở huyện Sông Lô cho biết: Triển khai mô hình nông nghiệp trải nghiệm, người nông dân sẽ hưởng “lợi kép”. Hiện mô hình của gia đình anh thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt là trẻ nhỏ rất thích thú khi được tự tay hái quả, xới đất trồng cây, tưới nước; còn người lớn thì yên tâm mua hoa quả về ăn, làm quà khi biết rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xác định phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ và là động lực để xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, xây dựng nông thôn mới một cách bền vững, thời gian qua, huyện  Sông Lô đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ dân, địa phương triển khai các mô hình du lịch trải nghiệm.

Theo báo cáo của UBND huyện, Sông Lô là vùng đất cổ có các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như: Tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức và nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như: Rước cây bông, hát trống quân Đức Bác, chọi trâu Hải Lựu… Bên cạnh đó, Sông Lô cũng sở hữu cảnh quan thiên nhiên rất đẹp với dòng sông Lô nước trong xanh, dãy núi Sáng uốn lượn…Để phát triển du lịch, thu hút du khách, Sông Lô đã nghiên cứu, định hình phát triển 3 sản phẩm du lịch chủ lực, gồm: Du lịch văn hóa tâm linh; du lịch văn hóa cộng đồng và du lịch sinh thái canh nông gắn với khám phá trải nghiệm. Đồng thời, tập trung làm tốt công tác quy hoạch các điểm du lịch; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong phát triển du lịch về khảo sát. Bước đầu trên địa bàn đã hình thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham qua, trải nghiệm như: Tháp Bình Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức, mô hình du lịch trải nghiệm ở xã Nhân Đạo…

Không chỉ có Sông Lô mà các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động đánh giá tiềm năng và định hướng quy hoạch đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn theo hướng liên kết với các tour, tuyến, điểm du lịch đặc thù độc đáo hướng vào chiều sâu và bền vững. Đặc biệt là từ khi 28 Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh hoàn thành và đi vào hoạt động, nhiều doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành đã tìm đến để liên kết, xây dựng các tour, tuyến du lịch với mục tiêu để du khách đến Vĩnh Phúc không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp, nghỉ dưỡng  tại những địa điểm nổi tiếng trong tỉnh mà còn được khám phá, trải nghiệm tại các làng nghề, các mô hình homestay của các Làng văn hóa kiểu mẫu.

Có thể nói từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu rồi Làng văn hóa kiểu mẫu phát triển đã thực sự tạo đà để du lịch của tỉnh có cơ hội cất cánh. Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình du lịch nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, bởi phần lớn các mô hình mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, lượng khách đến tham quan, du lịch trải nghiệm còn ít; hình thức đầu tư tự phát theo kiểu mạnh ai nấy làm, thu nhập mang tính thời vụ, chưa thật sự ổn định, bền vững cho người làm loại hình du lịch này. Hơn nữa, hành lang pháp lý cho loại hình du lịch này đang có những bất cập khiến quá trình đầu tư, đầu tư xây dựng phát triển còn hạn chế.

Để khắc phục những bất cập này và để du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ, theo định hướng phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ có chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mô hình du lịch trải nghiệm; xây dựng các tour, tuyến du lịch liên kết giữa các điểm du lịch nông thôn nhằm bổ sung tính đa dạng cho các loại hình sản phẩm du lịch; lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông thôn trong các chương trình xúc tiến quảng bá về du lịch Vĩnh Phúc trên các kênh truyền thông, các ấn phẩm du lịch. Cùng với đó, xây dựng mạng lưới đối tác du lịch nông thôn để kết nối đầu tư, kết nối thông tin cung – cầu du lịch…

Đức Thiện
Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc – vinhphuc.gov.vn