Về Lục Yên (Yên Bái) quyến luyến hương “kháu Lào mu”

Đã nhiều lần hẹn hò, nhưng mãi tận bây giờ, chúng tôi mới có dịp về Khánh Thiện để tìm hiểu về câu chuyện về “kháu Lào mu” - giống nếp Lào mu, rồi thưởng thức cốm, xôi làm từ hạt nếp Lào mu để cảm nhận hương vị và những yếu tố làm ra hạt gạo được xếp vào hàng quý hiếm, khác lạ này…

default

Cánh đồng nếp Lào mu Khánh Thiện vào mùa lúa chín vàng

Nhận diện sự khác biệt của nếp Lào mu

“Kháu Lào mu” là tên người dân xã Khánh Thiện gọi loại nếp đặc sản được người Tày, người Dao nơi đây trồng từ hàng trăm năm trước và gìn giữ đến ngày nay. Người dân Khánh Thiện vẫn thường đùa với khách lạ rằng: “Đường đến Khánh Thiện gập ghềnh khe suối, ai chưa từng thưởng thức kháu Lào mu là lãng phí công đến nơi này!”.

Khi thưởng thức và cảm nhận hương vị, độ dẻo bùi của kháu Lào mu, tôi thật sự bị mê… Đúng là về với Khánh Thiện mà chưa được ăn thứ xôi “đệ nhất ngon” này thì quả thực chuyến đi chưa thật sự trọn vẹn nếu không muốn nói là vô nghĩa! Rót chén trà mời khách, ông Hoàng Thái Minh – Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về nguồn gốc mà người dân phát hiện ra điểm đặc biệt của kháu Lào mu khác với các loại nếp trong vùng.

Chuyện rằng, ngày xưa, chợ Lục Yên còn thuộc xã Tân Lĩnh bây giờ – là nơi giao thương hàng hóa của người dân Lục Yên châu. Người Tày ở Khánh Thiện đi chợ phải đi bộ qua các xã Mai Sơn, Lâm Thượng rồi mới đến xã Tân Lĩnh, tuyến đường mòn dài hơn 30 km. Bởi vậy, người dân đi chợ từ lúc gà gáy canh ba mà khi đến chợ, trời đã gần trưa nên ngoài mang theo tiền bạc, sản vật để giao thương thì mọi người không quên mang theo gói xôi nếp. Khi tan chợ quay về đến mỏ nước “Bó Hán” – một điểm mọi người đi con đường mòn này hay dừng chân nghỉ ngơi và tranh thủ lúc nghỉ chân sẽ lấy gói xôi cùng thịt gà, cá nướng ra ăn để lấy sức tiếp tục hành trình về nhà cho kịp trước lúc trời tối.

Ăn xong, người dân bỏ lại những lá dong gói xôi ở nơi nghỉ chân, những người về sau đến nghỉ mới phát hiện trên lá dong có lớp mỡ bóng và sau nhiều lần tìm hiểu mới biết đó là lá gói xôi của đoàn người đi từ xã Khánh Thiện. Từ đó về sau, người ta mới nhận biết nếp Lào mu của Khánh Thiện khác các loại nếp trong vùng không chỉ ở mùi thơm, ngon, mềm, dẻo mà đặc biệt là có lớp mỡ bảo vệ để cơm khỏi dính và dẻo lâu sau khi xôi xong.

Chủ tịch UBND xã Khánh Thiện Hoàng Thái Minh vui vẻ cho hay, giống nếp Lào mu nay được trồng chủ yếu ở 5/8 thôn của xã là: Làng Giàu, Nà Luông, Tông Áng, Tông Luông, Tông Mộ. Nhờ được thần núi phù hộ cho vùng thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để trồng ra loại nếp có một không hai nên đến mỗi vụ thu hoạch, người Tày Khánh Thiện lại tổ chức Lễ hội Cắc kéng (Lễ hội Cốm) với các loại sản phẩm làm từ “kháu Lào mu” như: cốm, bánh cốm, xôi… để dâng lên tỏ lòng biết ơn các vị thần linh.

Vị ngon tuyệt đỉnh riêng có

Một ngày đẹp trời cuối năm, chúng tôi về Khánh Thiện. Trong không khí hối hả chuẩn bị lợn, gà, củi đóm đón tết thì không thể thiếu là lá dong, là gạo nếp Lào mu để làm các loại bánh dành cho cái tết thật chỉn chu dâng lên tổ tiên. Vừa mới đặt chân đến thôn Nà Bó rồi Làng Giàu, Tông Luông, Nà Luông… mùi hương nếp mới mà bà con chuẩn bị gạo, đồ xôi tỏa bay ngào ngạt khắp bản làng khiến chúng tôi cũng phần nào mường tượng ra kháu Lào mu ngon đến nhường nào… Nhìn những đống thóc đầy sàn với hạt nếp Lào mu to, mẩy, tròn, vàng ươm, dân bản cười giòn tan trong nắng ấm, toát lên niềm vui và hạnh phúc vô cùng sau ngày mùa.

Ông Hoàng Văn Hùng ở thôn Tông Luông đang đóng gạo và cốm để gửi cho khách đặt mua. Tiếp chuyện chúng tôi, ông Hùng chia sẻ: “Ngoài gạo để đồ xôi, làm bánh thì nếp Lào mu còn dùng làm cốm. Người dân ở đây có truyền thống Lễ hội Cắc kéng (làm cốm), chế biến những hạt cốm xanh dẻo, thơm, ngon ấy thành nhiều món ăn mang phong vị ẩm thực riêng có của người Tày Khánh Thiện. Thông thường, hạt cốm tươi dùng làm món tráng miệng, ăn kèm với chuối chín, nấu cháo với nước luộc vịt, cốm đồ xôi gói lá dong… thành những món ăn mang hương vị đặc trưng của núi ngàn”.

Gạo nếp Lào mu Khánh Thiện sau khi xát được người dân sàng lọc kỹ rồi mới đóng gói

Ngày nay, với công nghệ hiện đại, việc bảo quản cốm dễ dàng hơn nên người dân cũng sản xuất cốm nhiều hơn, ngoài bán ngay còn để sử dụng và bán dần quanh năm. Với người Tày nơi đây, mỗi năm có gần chục bữa cơm cúng lễ tết, ngoài món cốm dẻo thơm được chế biến từ những bông lúa xanh còn ngậm sữa thì món kháu Lào mu được đồ và gói lại bằng lá dong, lá chuối từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Tày đảm đang lại càng không thể thiếu trong các bữa tiệc của mọi gia đình. “Riêng gia đình tôi, mỗi vụ cấy gần 1 mẫu nếp Lào mu, mang lại thu nhập gần 25 triệu đồng, chưa kể phần để làm cốm, để ăn” – ông Hùng cho biết thêm.

Nét nổi bật làm nên thương hiệu của nếp Lào mu Khánh Thiện là hạt to, mẩy, tròn, vàng ươm thì khi đồ lên thành xôi có một lớp dầu tự nhiên tiết ra từ hạt gạo nên xôi sẽ không bị dính và có vị thơm ngọt, mềm, dẻo. Xôi nếp để một đến hai ngày, thậm chí lâu hơn nhưng vẫn mềm và dẻo. Lại nói thêm, người ta cũng đã mang giống nếp Lào mu Khánh Thiện đi trồng ở các xã khác ngay giáp ranh với Khánh Thiện nhưng sau khi thu hoạch, đồ chín thì độ thơm, dẻo cũng kém hơn và đặc biệt không còn có lớp mỡ bóng bám vào lá gói nữa.

“Hạt vàng” dần vươn xa

Người dân Khánh Thiện giờ đây ai cũng vui mừng, phấn khởi không chỉ vì kháu Lào mu đã nổi tiếng, được nhiều người biết đến mà bởi kháu Lào mu ngoài sử dụng thì đã dần trở thành hàng hóa có giá trị cao trên thị trường. Cùng niềm vui được người tiêu dùng ở nhiều nơi biết đến giống nếp tuyệt phẩm này thì năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng nhãn hiệu “Gạo nếp Lào mu” cho Hợp tác xã (HTX) Nông lâm thủy sản xã Khánh Thiện. Năm 2022, sản phẩm “Gạo nếp Lào mu” được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2023, sản phẩm “Cốm nếp Lào mu” cũng được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Trong câu chuyện của bà Dương Hồng Lĩnh – Giám đốc HTX Nông – lâm thủy sản xã Khánh Thiện về loại nếp đặc sản này còn có những tâm tư: “Địa phương, các cấp, các ngành đã quan tâm, hỗ trợ thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá nên nếp Lào mu ngày càng được nhiều người biết đến và đã có mặt ở khoảng 1/3 số tỉnh, thành của cả nước. Tuy nhiên, sản phẩm mới chỉ đến với người sử dụng là gia đình, là cá nhân, sức tiêu thụ chưa nhiều, chưa thường xuyên nên cước phí vận chuyển quá cao.

Chúng tôi vừa gửi một đơn hơn 1 tạ gạo vào Quảng Bình, hiện giá thóc nếp Lào mu là 20.000 đồng/kg, giá gạo là 40.000 đồng/kg tại chỗ nhưng tới Quảng Bình, cộng cả giá cước gửi tương đương 80.000 đồng/kg gạo. Vì vậy, nhiều người dù biết đến kháu Lào mu nhưng chưa được thưởng thức vì giá quá cao. Thật sự chúng tôi rất mong các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm giúp đỡ để thị trường tiêu thụ số lượng lớn hơn, ổn định hơn để giảm chi phí vận chuyển, có lợi cho cả người trồng lẫn người tiêu dùng”.

Theo tính toán của UBND xã, hiện nay nhân dân mới trồng 60/260 ha tổng diện tích ruộng nước, sản lượng đạt khoảng 200 tấn/năm. Trong đó, nhân dân làm cốm khoảng 60 tấn, để lại sử dụng khoảng 60 tấn và có 80 tấn xuất ra thị trường. Với giá cả như hiện tại, không loại lúa nào mang lại kinh tế cao hơn nếp Lào mu, nếu có đầu ra ổn định thì địa phương hoàn toàn có thể tiếp tục tăng được sản lượng, tăng được lượng bán ra thị trường lên gấp đôi, gấp ba bằng việc quy hoạch mở rộng diện tích trồng hàng năm. Điều này sẽ đem đến cơ hội làm giàu cho người nông dân Khánh Thiện và cũng đồng nghĩa với việc sẽ thêm nhiều khách hàng có cơ hội thưởng thức loại nếp hảo hạng “có một không hai” này.

Chúng tôi rời Khánh Thiện trong bịn rịn, trong làn khói bếp xuyên qua những mái cọ nhà sàn bay lên cùng hương kháu Lào mu tỏa quyện không gian bản làng. Về thành phố, hương kháu Lào mu như vẫn quyến luyến mãi chẳng xa chúng tôi trong niềm vấn vương. Một ngày nào đó rất gần, như mong ước của người Khánh Thiện, kháu Lào mu sẽ đi xa hơn và hương kháu Lào mu sẽ bay xa hơn…

A Mua

Báo Yên Bái – baoyenbai.com.vn