Người dân xã Hiệp Thành thu hoạch nhãn xuồng.
Mùa nhãn xứ biển
Những ngày tháng 7, đến phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành hay xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu) dễ dàng bắt gặp những vườn nhãn đang vào mùa thu hoạch. Từ trung tâm thành phố, đi khoảng 6km về hướng Nam, vườn nhãn Bạc Liêu hiện ra với những cành nhãn sai trái, tán cây to rộng sum sê hai bên đường. Thông thường, mùa nhãn rơi vào cuối tháng 7 đến khoảng tháng 9. Dù thời gian này có nhiều cơn mưa lớn, thế nhưng Giồng nhãn vẫn là một trong những điểm dừng chân của du khách khắp nơi khi về Bạc Liêu.
Có dịp công tác tại Bạc Liêu, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú và bạn bè đến từ tỉnh Cà Mau liền ghé đến vườn nhãn cổ tại ấp Giồng Nhãn A (xã Hiệp Thành). Chị Cẩm Tú chia sẻ: “Đến Bạc Liêu vào tháng 7 hằng năm, tôi thường cùng bạn bè ghé thăm vườn nhãn, mua nhãn về biếu người thân. Tôi cũng đã ăn nhãn được trồng ở nhiều nơi khác, song hương vị của nhãn Bạc Liêu mới thật sự khiến tôi nhớ mãi”. Không phải là lần đầu tiên ghé vườn nhãn Bạc Liêu nhưng cứ đến mùa là chị Tú lại sắp xếp thời gian đến tham quan, mua nhãn tại vườn. Dưới tán cây nhãn cổ hơn 130 năm tuổi, nhóm du khách này vừa thưởng thức những trái chín trên cây, vừa được chụp những bức ảnh kỷ niệm mang nét văn hóa đặc trưng của đất Bạc Liêu.
Theo nhiều nhà vườn ở Giồng nhãn, nhiều cây nhãn cổ có tuổi đời trên 130 năm nhưng vẫn ra hoa kết trái đều đặn khi đến mùa. Những cây nhãn cổ với gốc to, hình thù độc đáo không chỉ là minh chứng cho thương hiệu nhãn Bạc Liêu mà còn trở thành nét văn hóa đặc trưng của xứ biển. Nhãn Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng bởi trái to, đẹp, dày cơm, vị ngọt thanh mà còn có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhiều sản phẩm từ nhãn như: nhãn tươi, nhãn sấy khô, rượu nhãn được du khách ưa chuộng và mua về làm quà.
Du khách tham quan, trải nghiệm hái nhãn Bạc Liêu. Ảnh: H.T – T.N
Tạo cú hích cho cây nhãn
Phát huy tiềm năng của miệt vườn sông nước, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng cường tổ chức các lễ hội trái cây cấp huyện nhằm phát triển những sản phẩm mới, đánh thức giá trị du lịch nông thôn. Trên thực tế, UBND TP. Bạc Liêu đã dự tính việc sẽ tổ chức Lễ hội Thanh nhãn lần thứ nhất vào năm 2023 để tạo cú hích cho cây nhãn.
Đến nay, thành phố vẫn đang đợi tỉnh cho chủ trương thực hiện lễ hội này, với mục tiêu từng bước đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch định kỳ vào mỗi năm. Dự kiến, lễ hội có các hoạt động như: hội thi chế biến các món ăn từ thanh nhãn, tôm Bạc Liêu và các nguyên liệu tại địa phương; trưng bày, quảng bá cây thanh nhãn và các loại nhãn được trồng phổ biến; thi leo cây hái nhãn và các trò chơi dân gian; liên hoan đờn ca tài tử, trình diễn nghệ thuật Khmer…
Bà Đỗ Ái Lanh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP. Bạc Liêu, cho biết: “Bên cạnh kế hoạch tổ chức lễ hội nhãn, thành phố cũng đang triển khai các Đề án phát triển cây thanh nhãn, bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Cùng với việc tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân bảo tồn nhãn cổ, nhân rộng trồng thanh nhãn thì thành phố đang tiến hành xây dựng tuyến đường du lịch nằm len lỏi bên trong các vườn nhãn ở xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông. Nhiều dịch vụ như: đưa khách tham quan vườn nhãn, cho người dân hái nhãn, thưởng thức các món ăn đặc sản và xem đờn ca tài tử… sẽ được hình thành để thu hút du khách”.
Gần như cả cuộc đời gắn bó, trải qua biết bao thăng trầm với cây nhãn Bạc Liêu, ông Trương Kiết (xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) luôn mong mỏi cây nhãn quê hương sẽ được khai thác du lịch để người dân đất giồng cát sẽ có những mùa trái ngọt. Trong mùa nhãn chín năm nay, khu vườn của ông được du khách gần xa tìm về tham quan, trải nghiệm hái nhãn. Dù tuổi đã cao, song ông Kiết vẫn nhiệt tình dẫn khách đi tham quan, kể cho họ nghe chuyện về những cây nhãn cổ đã hơn 100 năm tuổi.
Hữu Thọ – Tuyết Nghi
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn