Quảng bá văn hóa địa phương
Từ bao đời nay, người dân tộc Tày ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình) luôn tự hào với nghề đan lát từ mây, tre. Tuy vậy, chỉ những ai đặt chân về vùng cao này mới có cơ hội thưởng lãm những sản phẩm thủ công được truyền từ đời này sang đời khác.
Thế hệ nối tiếp, từ người trưởng thành đến các bé gái nhỏ đã được học cách đan lát các vật dụng gia đình, như: rổ, rá, làn, giỏ, nón lá… Nhưng vùng núi yên bình này cũng chuyển động theo cơ chế thị trường. Xu thế nhanh, rẻ, tiện dụng đã khiến những vật dụng gần gũi từ mây, tre dần mất đi vị trí để nhường chỗ cho các sản phẩm làm bằng nhựa như: rổ nhựa, bát nhựa, cốc nhựa, làn nhựa… Nghề truyền thống ở Khuôn Hà có một thời đứng trước nguy cơ mai một.
Thế rồi những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Chương trình OCOP đã triển khai và vực dậy nghề mây tre đan ở Khuôn Hà. Trong đó, Hợp tác xã Nhật Minh (HTX) được thành lập và giữ vai trò nòng cốt giữ nghề truyền thống.
Ngoài sản phẩm từ mây tre đan, huyện Lâm Bình có 3 xã Khuôn Hà, Lăng Can, Thượng Lâm chọn homestay làm sản phẩm OCOP, như: Homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm, Homestay Nặm Đíp, xã Lăng Can. Các Homestay đang duy trì các mô hình trải nghiệm lý thú như: tham gia du lịch đồi chè, tự tay hái chè theo hướng dẫn của nghệ nhân và sao chè, đóng gói.
Mật ong Tuyên Quang được khách hàng trong nước và nước ngoài ưa chuộng
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, những ông chủ Homestay là người dân tộc đã bắt kịp với xu hướng du lịch cộng đồng, họ được học hỏi về những quy định đón khách du lịch thế nào cho thật văn minh, lịch sự và chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh nông thôn, an ninh trật tự để giữ gìn nét đẹp truyền thống của địa phương cũng luôn được chú trọng.
Được sự hỗ trợ về chính sách, vốn, người dân làm Homestay đã có thể trụ vững và phát triển các dịch vụ phù hợp với nhu cầu của du khách, từ đó nâng cao thu nhập cho gia đình và cộng đồng tại địa phương.
Gia tăng giá trị bền vững
Sau 4 năm thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, với mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thời gian qua, các Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới kiểu dáng, mẫu mã, tem nhãn… Nhờ đó, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng hấp dẫn, phù hợp thị hiếu và nhu cầu sử dụng, khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh có 192 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 – 4 sao. Trong đó, có 1 sản phẩm chè Shan tuyết Na Hang đang chờ được nâng hạng lên 5 sao.
Điều đáng chú ý, các sản phẩm OCOP này không chỉ bày bán ở chợ mà đã vào các trung tâm thương mại, siêu thị, sàn thương mại điện tử… như: cam sành Hàm Yên, mật ong Tuyên Quang, chè Shan tuyết Na Hang, chè Tân Thái…
Cửa hàng nông sản xanh Sáng Nhung, cửa hàng Tâm Hương – địa điểm bán và giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn TP. Tuyên Quang đã kết nối hàng trăm sản phẩm OCOP, đều là những sản phẩm rất đa dạng, phong phú. Các sản phẩm OCOP đều đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nên được nhiều người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn và có phản hồi rất tích cực, giúp lan tỏa thương hiệu sản phẩm của địa phương.
Tại hội chợ OCOP năm 2023 của tỉnh Tuyên Quang, mỗi ngày đã thu hút hàng nghìn lượt khách hàng trong và ngoài tỉnh tới tham quan, mua sắm tại hội chợ. Cũng nhân dịp này, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã tìm kiếm và ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm. Liên minh xúc tiến thương mại ACTONE ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX Sơn Trà (Na Hang), Hợp tác xã Nông sản hữu cơ Bình Minh và Công ty TNHH Thảo Hương Tuyên Quang và Công ty TNHH sản xuất TM Tiến Anh, tỉnh An Giang ký kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa 2 tỉnh.
Theo Ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công thương, Tuyên Quang là vùng đất có nhiều sản phẩm đặc sản, tiêu biểu gắn với văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Hiện nay, việc mua các sản phẩm OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân. Đặc biệt, những sản phẩm OCOP nổi bật của tỉnh như cam sành Hàm Yên, chè Shan Tuyết, chè Khau Mút, mật ong Tuyên Quang… được người tiêu dùng rất ưa chuộng đã mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng và từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xứ Tuyên.
Bài, ảnh: Hải Hương
Báo Tuyên Quang Online – baotuyenquang.com.vn