Nhận thấy vùng đất quê nhà ở thôn Kim Lũ, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây ăn quả, sau thời gian bôn ba làm ăn nhiều nơi với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng không hiệu quả, năm 2019, gia đình anh Trương Quốc Sơn đã dốc hết nguồn lực, tâm huyết để đưa cây cam, bưởi đặc sản về gieo trồng.
Với mong muốn làm ăn lớn, năm 2021, anh Sơn vận động một số hộ liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Trường Sơn. Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu thị trường, HTX đã quyết định lựa chọn giống bưởi Phúc Trạch và cam chanh Hà Tĩnh làm giống chủ lực. Hiện nay, HTX có 20ha cây ăn quả có múi, trong đó bưởi 7ha, cam 13ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ của Israel, sử dụng phân hữu cơ, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng tin tưởng.
Sản phẩm cam Kim Lũ của HTX Nông sản sạch Trường Sơn đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao
Hiện, bình quân mỗi năm HTX Nông nghiệp sạch Trường Sơn cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn bưởi và 40 tấn cam, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2022, sản phẩm bưởi Kim Lũ và cam Kim Lũ của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Trương Quốc Sơn, Giám đốc HTX bộc bạch: “Xây dựng sản phẩm OCOP đòi hỏi chúng tôi phải sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, đặc biệt là phải tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Nhưng khi đã đạt được tiêu chuẩn OCOP rồi thì đầu ra của chúng tôi dễ dàng hơn, giá thành cao hơn so với các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn OCOP. Quá trình xây dựng sản phẩm OCOP cũng được các cấp, ngành, đặc biệt là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ rất nhiều”.
Dù mới đi vào hoạt động được 3 năm nhưng HTX Dược liệu sạch Thủy Mai, ở xã Sơn Hóa đã đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu theo hướng hữu cơ, nghiên cứu, sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ điều trị bệnh chất lượng, giá thành phải chăng.
Hiện nay, HTX đang sản xuất và kinh doanh 3 sản phẩm chính, gồm: Cao cà gai leo, cao dây thìa canh và cao cây xạ đen. Trong đó, sản phẩm cao cà gai leo đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình và khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2022. Ngoài ra, HTX Dược liệu sạch Thủy Mai còn sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm dược liệu sấy khô và đang nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm dạng viên nén, trà túi lọc…
Bà Nguyễn Mai Thủy, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: “Hiện nay, HTX đang xây dựng hệ thống nhà xưởng mới để mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tham gia các chương trình quảng bá, kết nối giao thương với các đối tác trong và ngoài nước để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách thuận lợi nhất. Đặc biệt, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm chất lượng, mẫu mã, quyết tâm đưa các sản phẩm còn lại của HTX tham gia chương trình và đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm 2023 và 2024”.
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành kế hoạch, khuyến khích các tổ chức kinh tế trên địa bàn tham gia; chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng; thực hiện các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường.
Hiện, trên địa bàn huyện có 13 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: Gạo sạch Châu Hóa, gạo sạch Mai Hóa, cao cà gai leo Thủy Mai, nấm bào ngư xám, cam Kim Lũ, bưởi Kim Lũ, mật ong Tuyên Hóa, măng khô Mã Liềng, lạc rang sả ớt, mây tre đan Vân Sơn, mật ong Thanh Hóa, mật ong Hương Hóa và mật ong Quyết Thắng. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa cho biết: Để thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng các sản phẩm OCOP, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn quy hoạch các vùng sản xuất phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương; thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, xây dựng các sản phẩm theo chuỗi giá trị; khuyến khích phát triển kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác xã. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, nghiệp vụ, kỹ năng phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức các hoạt động quảng bá và đưa các sản phẩm đặc trưng của huyện đến với thị trường.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh việc tư vấn, hướng dẫn các chủ thể từng bước hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm OCOP. Đồng thời tạo điều kiện để các chủ thể mở rộng sản xuất, tăng cường liên kết, từng bước tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tại địa phương để có nhiều sản phẩm mới tham gia OCOP; đẩy mạnh việc tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm… giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm OCOP của huyện nhiều hơn.
Văn Tư