Trải nghiệm vườn măng cụt trăm năm tuổi ở Châu Thành A, Hậu Giang

Khu du lịch sinh thái Vườn măng cụt trăm năm tuổi, ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, đang là một trong những điểm du lịch nông thôn hấp dẫn du khách khi đến với huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang.


Hai cây măng cụt trăm năm tuổi là điểm nhấn của khu du lịch sinh thái này.

“Gia đình coi như di sản của cha ông để lại”

Vừa đến Khu du lịch sinh thái Vườn măng cụt trăm năm tuổi, ông Nguyễn Văn Tấn, chủ nơi này, tiếp đón chúng tôi bằng những trái măng cụt chín cây hái tại vườn, dưới những tán măng cụt trĩu quả, che rợp bóng mát. Rồi vừa thưởng thức trái măng cụt thanh mát, ngọt lịm, chúng tôi vừa được nghe ông Tấn kể về chuyện 2 cây măng cụt trăm năm tuổi làm nên thương hiệu khu du lịch sinh thái của mình.

Theo lời kể ông Tấn, người trồng 2 cây măng cụt trăm năm tuổi là ông ngoại của ông. Khoảng năm 1920, có những thương lái từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long mang cây giống măng cụt đến vùng đất này. Ông ngoại đã mua 11 cây và trồng trong vườn nhà. Qua một cơn lũ lớn và những đợt tàn phá của chiến tranh, hiện nay, vườn chỉ còn lại 2 cây măng cụt hơn trăm năm tuổi. Từ những cây gốc, các thế hệ trong gia đình ông đã từng bước nhân giống ra khoảng 200 cây để trồng khắp khu vườn. Ngoài 2 cây trăm tuổi, vườn còn có những cây 40, 50 năm tuổi.

Từng trồng cam xoàn, lúa, quýt, nhưng qua nhiều năm, ông Tấn nhận thấy cây măng cụt phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại giá trị kinh tế ổn định cho gia đình mình. Theo ông Tấn, cây măng cụt trồng được 7 năm mới bắt đầu cho trái và trồng càng lâu năm thì càng cho thu nhập cao. Trên mảnh vườn có diện tích khoảng 2,3ha, những năm gần đây, ông còn trồng thêm 180 cây chôm chôm Tiến Cường và 70 cây sầu riêng Ri6. Các loại cây đều được ông trồng theo hướng hữu cơ, không phân thuốc hóa học.

Hiện trung bình mỗi năm, ông Tấn thu hoạch được 15 tấn măng cụt, 2 tấn chôm chôm từ khu vườn nhà mình. Vườn cây trái trĩu quả khi vào mùa với điểm nhấn là 2 cây măng cụt trăm năm tuổi, đã khơi gợi ý tưởng làm du lịch sinh thái cho gia đình ông.

Điểm du lịch đầy triển vọng

Ông Nguyễn Văn Tấn kể: “Trước đây, vào mỗi mùa trái cây, có những bà con và khách thân quen đến vườn chơi dịp cuối tuần. Sau những lần đó, tôi đã nảy sinh ý định làm du lịch sinh thái, được nhiều người đánh giá có tiềm năng và ủng hộ. Sau khi vợ tôi cùng những người bạn đưa dự án làm du lịch tại khu vườn này đi tham gia và đạt giải tại Cuộc thi Khởi nghiệp của Phụ nữ tỉnh, đã tạo động lực để vợ chồng tôi cùng đồng hành đầu tư thêm các hạng mục, phát triển du lịch trên chính khu vườn của mình”.

Khu du lịch sinh thái Vườn măng cụt trăm năm tuổi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2023. Thông qua các kênh quảng bá, qua hơn 1 năm, vườn đã đón trên 3.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Tại đây, du khách có thể hái các loại trái cây, sinh hoạt văn nghệ, chụp ảnh lưu niệm, bơi xuồng, bắt cá được thả nuôi tự nhiên trong vườn,… Thưởng thức các món ăn đặc sản, đậm chất đồng quê như: gỏi gà măng cụt, cá tai tượng chiên xù, cá lóc đồng nướng trui, cá rô đồng kho trái giác,…

Với kinh nghiệm 27 năm làm thuyết minh viên của Di tích Chiến thắng Tầm Vu, ông Nguyễn Văn Tấn luôn tâm niệm sẽ tiếp đón khách đến tham quan như đón tiếp những người thân của mình, không đặt lợi nhuận lên hàng đầu và hoạt động vì sự hài lòng của khách. Ông Tấn chia sẻ, việc làm du lịch là động lực để ông tiếp tục chăm sóc vườn tược, ổn định kinh tế gia đình và góp phần phát triển du lịch địa phương.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh để quảng bá, giới thiệu điểm du lịch này đến người dân trong và ngoài địa bàn. Tạo mọi điều kiện để chủ thể hoàn thiện thủ tục, tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, phát triển thêm một số hạng mục. Mời các sở, ngành tỉnh đến công nhận sản phẩm OCOP du lịch của huyện. Kết nối một số đơn vị làm gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, phục vụ khách du lịch mua làm quà lưu niệm. Quan tâm, đầu tư cơ sở hạ tầng, lộ giao thông nông thôn, vận động người dân trong khu vực cùng chung tay làm du lịch…”.

Đang Thư
Báo Hậu Giang – baohaugiang.com.vn