Trà Vinh: Thúc đẩy sản phẩm OCOP vươn xa

Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, xúc tiến thương mại luôn được các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất hướng đến trong thời đại 4.0. Từ đó, nhiều sản phẩm làm ra được đến tay người tiêu dùng nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc thù mang đậm nét truyền thống, đặc sản của từng làng quê và gắn bó với làng nghề sản xuất được thúc đẩy vươn xa để tiêu thụ và đến tay người tiêu dùng gần xa trong cả nước.

Nhân công kiểm tra, phân loại củ cải trong quá trình phơi trước khi đưa vào sản xuất “Củ cải muối Chịt Sa”

Đến cuối tháng 6/2024, Trà Vinh có tổng cộng 291 sản phẩm OCOP của 197 chủ thể (25 công ty, 06 doanh nghiệp, 30 hợp tác xã, 03 tổ hợp tác và 133 hộ kinh doanh). Trong đó, 03 sản phẩm đạt 5 sao, chiếm 1,03%; 07 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 2,41% (đang chờ Trung ương công nhận); 42 sản phẩm 4 sao, chiếm 14,4% và 239 sản phẩm đạt 3 sao, chiếm 82,1%.

Hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè có nhiều sản phẩm đã tham gia sàn thương mại điện tử: “Dừa sáp Hòa Tân” tham gia sàn thương mại điện tử PostMart.vn. “Củ cải muối Chịt Sa” tham gia sàn thương mại điện tử Voso.vn; travinhtrade.vn; Sendo.vn. Các sản phẩm của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè tham gia sàn thương mại điện tử Shopee.vn, Tiki.vn, Lazada.vn, VietnamPost, App hệ thống VICOSAP…

Bà Đồng Thị Mai Linh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: hợp tác xã có sản phẩm chính là mứt chuối tá quạ sấy khô được công nhận OCOP 3 sao. Từ năm 2022, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng trên các nền tảng mạng xã hội… đã giúp hợp tác xã quảng bá, tiêu thụ mạnh sản phẩm mứt chuối tá quạ sấy khô cùng với các sản phẩm trái cây đặc sản của cù lao Tân Qui được khách hàng các tỉnh Cần Thơ, Vĩnh Long, Thành phố Hồ Chí Minh và khách hàng ở Hà Nội cũng tìm đặt mua qua online; góp phần nâng giá trị sản phẩm cho nhà vườn. Tổng giá trị bán hàng hàng năm đạt doanh thu khoảng 01 tỷ đồng.

Ông Tô Phú Quới, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất – Thương mại Phú Quới (Phường 6, thành phố Trà Vinh) chia sẻ: hiện công ty có 07/17 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Trong thực hiện ứng dụng sàn thương mại điện tử, đặc biệt từ năm 2021 đến nay, đã tác động rất lớn đến kênh bán hàng online và đang dần thay thế kênh bán hàng truyền thống (trực tiếp). Hàng năm, tổng giá trị hàng hóa được khách hàng biết và đặt mua qua online chiếm trên 50%; đồng thời, khách hàng cũng mở rộng khắp 63 tỉnh thành trong cả nước.

Kết quả trên là được sự hỗ trợ từ các ngành, Sở: Khoa học và Công nghệ Trà Vinh, Công thương, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) đã hỗ trợ cho doanh nghiệp trong xúc tiến và ứng dụng công nghệ để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và các sản phẩm khác nói chung của tỉnh Trà Vinh.

Mở rộng và đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP \ là một trong những giải pháp quan trọng dành cho chủ thể OCOP. Đồng thời, nâng cao hiệu quả trong hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu và các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường…

Bà Thạch Thị Di, chủ cơ sở Bánh tét 9 Di (ấp Hòa Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) chia sẻ: thông qua sàn thương mại điện tử đã góp phần quảng bá sản phẩm bánh tét 9 Di (đạt OCOP 3 sao) vươn xa. Phần đông khách hàng đặt mua sản phẩm qua online, sau đó cơ sở đóng gói gửi chiếm gần 70%/tổng sản phẩm so với bán hàng trực tiếp tại cơ sở (tương đương 150 đòn bánh/ngày).

Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện có gần 200 sản phẩm OCOP của Trà Vinh đã có mặt trên các sàn giao dịch điện tử. Các mặt hàng OCOP được khách hàng mua sắm qua ứng dụng công nghệ số (đặt hàng qua điện thoại, App…) đến với nơi sản xuất, kinh doanh về sản phẩm đạt trên 80%. Hình thức khách hàng đến mua trực tiếp thường phục vụ khách du lịch, khách vãng lai khi về địa phương.

Bài, ảnh: Hữu Huệ

Báo Trà Vinh – baotravinh.vn