Trà Vinh: Sản phẩm OCOP tạo sức bật phát triển kinh tế

Với lợi thế tiềm năng về nông nghiệp, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh định hướng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa bản địa, các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch cộng đồng.

Huyện Cầu Ngang hiện có 31 sản phẩm OCOP, trong đó có 04 sản phẩm 4 sao và 27 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về tính đặc sắc, truyền thống, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và được thị trường chấp nhận. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo hiệu quả tích cực, tạo điều kiện phát triển sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương; khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi xã, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Khâu cắt bánh tráng thành sợ hủ tiếu thương phẩm

Những ngày giáp Tết chúng tôi có dịp đến ấp Nô Công, xã Thuận Hòa nơi có lịch sử làm nghề hủ tiếu “cha truyền con nối”, đã tồn tại hơn 100 năm. Điều đáng mừng, đến năm 2022, sản phẩm hủ tiếu của ông Hồ Minh Cường, 01 trong 12 hộ dân làm nghề hủ tiếu ở đây đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là động lực thúc đẩy nghề gia truyền phát triển, đưa sản phẩm hủ tiếu vươn xa, hướng tới thị trường xuất khẩu.

Ông Cường cho biết: để đạt chuẩn sản phẩm OCOP, ông mạnh dạn đầu tư máy xay bột, máy hấp tráng, máy trộn, máy cắt và sân phơi nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, khâu sản xuất phải chọn nguyên liệu gạo ngon kết hợp với bột mì và gia vị khác, xử lý khá công phu với các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay… để tráng ra bánh tráng đem phơi ngoài sân bằng ánh nắng mặt trời trước khi cắt thành phẩm sợi hủ tiếu. Mỗi khâu sản xuất tuy có thiết bị hỗ trợ nhưng có những công đoạn cần có bàn tay của người lao động, trong chuỗi hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm 07 lao động, thu nhập từ 100.000 – 300.000 đồng/lao động/ngày tùy công đoạn.

Theo ông Cường, hiện sản phẩm hủ tiếu cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh. Trung bình từ 400 – 500kg hủ tiếu/ngày, dịp Tết sản lượng tăng lên 800 – 900kg/ngày. Hướng tới, ông đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tráng, sấy trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí, lao động nhằm đưa sản phẩm đến thị trường xuất khẩu.

Đến thăm cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý, một trong những hộ kinh doanh đã không ngừng đầu tư cải tiến dây chuyền sản xuất, chế biến bánh tét với nhiều hương vị khác nhau nhằm đáp ứng người tiêu dùng và có đến 04 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao (bánh tét rau ngót, bánh tét 3 màu, bánh tét tứ quý, riêng sản phẩm bánh tét “ngũ phúc” được công nhận OCOP 4 sao năm 2023).

Nhân viên cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý giới thiệu sản phẩm bánh tét với khách hàng

Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở sản xuất bánh tét Hai Lý, ấp Trà Cuôn, xã Kim Hòa bộc bạch: Tết năm nay, cơ sở giữ vững năng lực sản xuất như năm trước 25.000 đòn bánh các loại và bình ổn giá để duy trì khách hàng, giá bán từ 50.000 – 150.000 đồng/đòn tùy loại. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu sản xuất trong dịp Tết, cơ sở đầu tư thêm 03 nồi nấu bánh tét công nghiệp sử dụng điện.

Hiện cơ sở sản xuất từ 200 – 300 đòn bánh tét/ngày, tương đương từ 70 – 120kg nếp sáp. Vào dịp Tết, nhu cầu sản xuất bánh tét tăng lên cao khoảng 300 – 600 đòn bánh/ngày, tăng gấp hai, ba lần so với ngày thường, nên nhu cầu giải quyết việc làm trên 100 lao động tham gia gói bánh, sơ chế, chế biến nguyên liệu, gia vị, cột bánh, nấu bánh,… thu nhập từ 300.000 đồng đến 01 triệu đồng/người/ngày.

Đồng chí Thạch Thị Thu Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang cho biết: mục tiêu đến năm 2025, huyện phấn đấu có ít nhất 35 sản phẩm OCOP trở lên, trong đó có 05 – 07 sản phẩm OCOP 4 sao. Vì thế, huyện củng cố và nâng cấp các sản phẩm OCOP đã đạt, ưu tiên phát triển OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn.

Cùng với việc đưa sản phẩm mở rộng thị trường nước ngoài, huyện hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng diện mạo trên sàn thương mại điện tử. Phát triển các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, sản phẩm truyền thống, ưu tiên phát triển sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch và các sản phẩm mới dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, có chất lượng nổi trội, đặc sắc và có tiềm năng thị trường hướng đến xuất khẩu. Xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đặc biệt, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ vào quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm OCOP. Nâng cao chất lượng, năng lực sản xuất của cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Tập trung phát triển nông nghiệp sinh thái, đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP; thực hiện cấp mã số vùng trồng cấp chứng nhận VietGAP và các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO, HACCP để đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm OCOP.

Bài, ảnh: Mỹ Nhân

Báo Trà Vinh – baotravinh.vn