TP. Bạc Liêu: Khai thác và phát huy du lịch nông thôn

So với các địa phương khác, TP. Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch nông thôn (DLNT). Vì vậy, từ năm 2023, UBND TP. Bạc Liêu đã ban hành Kế hoạch 121 về thực hiện Chương trình phát triển DLNT trong xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2023 - 2025.


Người dân xã Hiệp Thành chăm sóc hoa kiểng trên tuyến đường du lịch Giồng Nhãn.

QUAN TÂM PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, NHÂN LỰC

Có thể nói, qua 1 năm triển khai thực hiện phát triển, loại hình DLNT của TP. Bạc Liêu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các điểm du lịch khu vực nông thôn thu hút du khách, thành phố đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, các công trình giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn và khách du lịch, nhất là cải tạo, nâng cấp cầu, đường vào các khu, điểm du lịch. Chẳng hạn như năm 2023, thành phố đã tiếp tục thực hiện và hoàn thành 3 công trình gồm: lộ Bờ Tây, cải tạo cây xanh chiếu sáng đường Trường Sa (khu Quán âm Phật đài), lộ Hứa Hòa Hưng (vào khu Vườn chim Bạc Liêu) với tổng kinh phí gần 150,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó là quan tâm đầu tư các hạ tầng phục vụ khác như: phát triển hệ thống điện, nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, cùng nhiều hạng mục công trình phục vụ sản xuất khác gồm: trạm bơm điện, ô đê bao khép kín… Qua đó, đã góp phần thực hiện hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn 3 xã vùng ven (Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông), tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất –  kinh doanh và làm dịch vụ du lịch. Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống của người dân, diện mạo nông thôn của những xã vùng ven ngày càng khởi sắc.

Mặt khác, một số dự án quan trọng cũng đang được thành phố triển khai, từng bước góp phần cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như: Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đã hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống điện, hệ thống xử lý nước thải, nhà điều hành, hạ tầng giao thông); Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái hỗn hợp, tỷ lệ 1/2.000 trên địa bàn xã Hiệp Thành; Dự án xây dựng, nâng cấp tuyến đê biển Đông thuộc Dự án đường đê biển Đông Bạc Liêu – Gành Hào; Dự án tuyến đường Lò Rèn giai đoạn 2 thuộc Tiểu dự án nâng cấp đô thị TP. Bạc Liêu; Dự án Nhà máy chế biến thủy sản Việt – Úc (giai đoạn 2) đã khánh thành và đưa vào hoạt động… Từ đó, thuận lợi cho việc phát triển thêm các điểm du lịch, hướng đến xây dựng mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở khu vực nông thôn.

Các địa phương còn vận động các điểm du lịch, các cơ sở sản xuất – kinh doanh đầu tư xây dựng khang trang, hài hòa với không gian và cảnh sắc tại các điểm tham quan, du lịch. Cùng với đó là đã đầu tư các hạ tầng phục vụ như: điểm và bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, thu gom và xử lý rác thải, nước thải… Hiện nay, trên địa bàn các xã vùng ven đều có điểm du lịch phục vụ khách đến tham quan, vui chơi – giải trí và thưởng thức ẩm thực, độc đáo và hấp dẫn là các món ăn được chế biến từ những sản vật hiện có tại địa phương và một số nơi được nuôi trồng ngay tại cơ sở kinh doanh tham quan, du lịch. Đặc biệt, thành phố đã quan tâm chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã vận động người dân cải tạo vườn tạp, trồng thêm các loại cây ăn trái. Các hộ dân cũng đã chủ động chăm sóc, cải tạo vườn cây, trang trí tiểu cảnh, tham gia kinh doanh các dịch vụ du lịch như: mở cửa vườn nhãn của gia đình, cho du khách trải nghiệm tự tay hái trái, vui chơi, ăn uống dưới tán cây…

Song song với quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, TP. Bạc Liêu còn tổ chức và triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho những người làm DLNT. Điển hình là phối hợp với Sở VHTTDL mở các lớp tập huấn DLNT cho cán bộ lãnh đạo của các ban đảng, MTTQ Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể, phòng, ban, ngành thành phố và UBND các phường, xã về bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch; tổ chức đoàn đi tham quan, học tập mô hình phát triển DLNT ở tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh; tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý và văn hóa ứng xử trong làm du lịch. Bên cạnh đó, từ năm 2023 đến nay, thành phố đã mở 36 lớp đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn 3 xã vùng ven.


Du khách tham quan vườn nhãn xã Hiệp Thành. Ảnh: K.T

TIẾP TỤC PHÁT HUY THẾ MẠNH CỦA DLNT

Phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với DLNT được đánh giá là xu hướng phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay, nhằm hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cũng như góp phần định hướng một ngành Nông nghiệp phát triển xanh, bền vững và hiệu quả. Mô hình này giúp khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân địa phương, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn, giúp duy trì, quảng bá bản sắc văn hóa, đời sống nông thôn các dân tộc, vùng miền, từ đó góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế cộng đồng, địa phương.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, phát triển DLNT trên địa bàn thành phố cũng còn tồn tại một số ít khó khăn, bất cập. Cụ thể là nhận thức của người nông dân còn hạn chế trong việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển du lịch dịch vụ; sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn và chưa tạo ra khả năng cạnh tranh cao cả về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch vườn… Không chỉ vậy, phần lớn các dự án lớn được kêu gọi đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh như: Dự án của Tập đoàn FLC – Dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC TP. Bạc Liêu với diện tích trên 400ha tại xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành; Dự án xây dựng khu du lịch tổng hợp quốc gia (bao gồm phường Nhà Mát, xã Hiệp Thành, xã Vĩnh Trạch Đông)… nên đôi lúc thành phố chưa chủ động được trong quá trình triển khai thực hiện.

Để phát huy thế mạnh của DLNT, TP. Bạc Liêu sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp về vị trí, tầm quan trọng của DLNT như: tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng thi đua làm du lịch. Tuyên truyền Bộ quy tắc ứng xử du lịch nhằm nâng cao nhận thức trong văn minh thương mại, hạn chế việc bán hàng rong, đeo bám du khách, không để phát sinh người lang thang, ăn xin tại các khu, điểm du lịch. Đẩy mạnh liên kết, quảng bá, tuyên truyền về du lịch bằng các nền tảng công nghệ số, mạng xã hội.

Thành phố cũng sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn tạo điều kiện, hướng dẫn các điểm tham quan mới hình thành tiếp tục đầu tư các dịch vụ phù hợp, phong phú để tăng tính hấp dẫn với du khách. Chú trọng việc đánh giá tác động môi trường của các dự án du lịch, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra hoạt động xử lý nước thải, chất thải ở các khu, điểm du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, tăng cường chiến dịch thu gom, xử lý rác thải tại các khu, điểm du lịch. Đồng thời, thúc đẩy liên kết giữa nông thôn – đô thị trong phát triển DLNT, ưu tiên phát triển DLNT ở những nơi có lợi thế về tài nguyên, kết nối với các khu vực động lực phát triển du lịch, trung tâm du lịch. Đặc biệt là thực hiện có hiệu quả các chính sách của Trung ương và địa phương về khuyến khích, thu hút đầu tư cho phát triển DLNT…

Kiết Tường
Báo Bạc Liêu – baobaclieu.vn