Ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia OCOP, đơn vị đã và đang thực hiện phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ các điểm du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, thực hiện giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP trên Cổng thông tin du lịch tỉnh; hỗ trợ hoàn thiện, nâng chất lượng các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn, homestay, farmstay… Đơn vị hỗ trợ xây dựng, trang trí nâng cấp gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP bao gồm xây dựng, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết, phù hợp khác bên trong điểm bán hàng và lồng ghép các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP…
Đơn cử như địa điểm du lịch nhà cổ Ba Đức, một điểm đến nổi tiếng của Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, chủ nhà cũng kết hợp du lịch với trưng bày và tiêu thụ sản phẩm bánh phồng nhà cổ, sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao. Chú Phan Văn Đức, chủ nhân ngôi nhà cổ, cho biết: Khách du lịch trong và ngoài nước khi đến tham quan nhà cổ thích mua bánh phồng tôm nhà cổ để làm quà cho người thân, cũng như được trải nghiệm quy trình sản xuất bánh tại đây.
Ở điểm du lịch dược liệu xanh Thiên Ân, địa chỉ tại ấp Phú Quí, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang được tổ chức theo mô hình thí điểm phát triển du lịch xanh hướng tới thiên nhiên. Điểm du lịch được xây dựng trên khu vườn tập trung hơn 100 loại cây thuốc, dược liệu, có tác dụng trong việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng; đồng thời cung cấp rau xanh, thảo dược để chế biến món ăn, nước uống phục vụ khách du lịch và cũng là nơi cho du khách trải nghiệm thực tế.
Điểm nhấn của điểm du lịch này còn là không gian trưng bày các sản phẩm OCOP của công ty được chế biến từ đông trùng hạ thảo để du khách có thể thưởng thức và mua về làm quà tặng. Ngoài ra, các dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách tham quan rất đa đạng, gồm: Tham quan vườn cây thuốc, dược liệu, hoạt động sản xuất nhang, quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo, tham quan hầm rượu đông trùng hạ thảo; tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế như làm bánh quy, làm nhang, cấy lúa, các trò chơi dân gian,…
Bà Trần Thị Luôn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) cho biết, thông qua hoạt động trưng bày các sản phẩm OCOP tại điểm du lịch của công ty đã góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như kết nối sản phẩm với người tiêu dùng.
Còn Hợp tác xã nông nghiệp Đông Nghi (xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) kết hợp mô hình trang trại sản xuất kết hợp với phát triển du lịch tham quan trải nghiệm tại trang trại dê. Du khách khi đến tham quan còn được xem trưng bày 6 dòng sản phẩm OCOP của hợp tác xã làm từ sữa dê theo hướng Organic (thực phẩm hữu cơ). Đây cũng là các sản phẩm OCOP đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng, với sức mua tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Ông Đặng Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, nhằm tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm OCOP, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành có liên quan đã tổ chức điểm bán hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP để giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến tay người tiêu dùng, nhất là đối với khách du lịch. Việc tổ chức điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang cũng nhằm mục tiêu tìm giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất một cách bền vững hơn. Qua đó, khuyến khích các cơ sở OCOP tích cực đầu tư, nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, từ đó nâng cao số lượng, giá trị sản phẩm tiêu thụ và thu nhập của người dân.
Hữu Chí
Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang – tiengiang.gov.vn