Tiền Giang: Mô hình nuôi dê lấy sữa kết hợp làm du lịch, hiệu quả kinh tế cao

Chuyển từ mô hình nuôi dê lấy thịt sang nuôi dê lấy sữa, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chế biến từ sữa dê và kết hợp làm du lịch, vợ chồng chị Lê Khắc Đông Nghi (ngụ xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã thu lại hiệu quả vượt ngoài mong đợi...


Vợ chồng chị Nghi giới thiệu các dòng sản phẩm làm từ sữa dê đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh.

Tham quan trại nuôi dê rộng hơn 2,5ha mới thấy được hiệu quả kinh tế rõ rệt từ mô hình mới mẻ này. Với diện tích 2,5ha, nông trại Đông Nghi chia thành 3 khu vực: Khu vực trồng cỏ rộng 2ha, khu trang trại nuôi 500 con dê sữa và khu nhà chờ cho khách tham quan. Mỗi tuần, nông trại tiếp đón khoảng 1.000 khách đến tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ sữa dê. Điểm độc đáo của du lịch nông trại so với các loại hình khác đó là du khách sẽ được về với đồng ruộng, vườn cây và tìm hiểu về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Không chỉ là điểm đến thú vị cho người lớn, trẻ em cũng thích thú xem tận mắt quá trình lấy sữa, vuốt ve, cưng nựng những chú dê con và thưởng thức những sản phẩm tươi ngon từ sữa dê. Chị Nghi cho biết: Trong suốt quá trình gắn bó với con dê, vợ chồng chị không ngừng tìm hiểu để phát triển mô hình phù hợp với thị trường để đem lại hiệu quả kinh tế cao. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu giá trị dinh dưỡng của sữa dê và thị trường, hai vợ chồng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình nuôi dê lấy thịt sang nuôi dê lấy sữa từ năm 2014.

Thời điểm đó, vợ chồng chị đánh liều khi bán hết đàn dê thịt, chi số tiền lớn để đầu tư đàn dê Saanen (giống dê từ Thụy Sĩ) với số lượng khoảng 10 con về làm giống. Tuy có nhiều kinh nghiệm nuôi dê thịt, nhưng với mô hình nuôi dê lấy sữa lại khá mới mẻ cũng là điều khiến hai vợ chồng chị gặp không ít khó khăn, từ việc sữa vắt ra có vị hơi mặn, có mùi đặc trưng không hấp dẫn người tiêu dùng… Ngoài ra, sữa dê tươi sau khi thanh trùng chỉ bảo quản lạnh được tối đa 7 ngày, cũng khiến hai vợ chồng đau đầu tìm giải pháp để cải thiện. Sau thời gian nghiên cứu, vợ chồng chị Nghi tìm ra cách biến sữa dê thành các dạng sản phẩm chế biến phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng và có thời gian bảo quản, sử dụng lâu hơn nhằm giải quyết vấn đề đầu ra. Từ đó, 2 dòng sản phẩm được làm từ sữa dê ra đời gồm sữa chua và bánh flan tươi làm từ sữa dê. Khẩu vị phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng, hạn sử dụng cũng dài hơn sữa tươi (sữa chua 30 ngày, bánh flan 12 ngày). Điểm đặc biệt nhất của 2 dòng sản phẩm này là đều không sử dụng chất bảo quản nên được khách hàng ưa chuộng. Tiếp đà thành công, vợ chồng chị nghiên cứu thành công và tung ra thị trường sản phẩm sữa chua và bánh flan sấy làm từ sữa dê, có thời hạn sử dụng 12 tháng. Dòng sản phẩm mới này sử dụng công nghệ sấy thăng hoa nên giữ trọn vẹn hương vị, thành phần dinh dưỡng. Hiện các sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Tiền Giang.


Khách “nhí” đến trải nghiệm, vuốt ve, chụp ảnh cùng các chú dê con.

Từ 10 con dê giống lúc đầu, qua quá trình lai tạo, vợ chồng chị giờ đã sở hữu đàn dê hơn 500 con. Khi trang trại mở cửa du lịch đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm từ tìm hiểu quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cho dê ăn, cho dê uống sữa, chụp ảnh cùng dê, ăn các sản phẩm làm từ sữa dê… “Trang trại có nhà chờ tham quan với sức chứa tối đa khoảng 500 người. Khách đến đây có thể trải nghiệm vắt sữa, uống thử sữa tại chỗ, xem hương vị sữa ngon thế nào. Ngoài ra, các khách “nhí” có thể vuốt ve, cho dê con ăn, dê mới đẻ uống sữa, chụp hình cùng dê”, chị Nghi cho biết.

Tháng 10-2020, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi được thành lập. Đến nay, HTX có 10 thành viên tham gia, được hỗ trợ cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, hỗ trợ nguồn thức ăn, ưu tiên thu mua sữa tươi với giá ổn định… Mỗi ngày, HTX cung ứng được nguồn nguyên liệu sữa dê với sản lượng 150 lít. Bên cạnh đó, HTX xuất bán con giống từ 20kg trở lên với giá 300.000-400.000 đồng/kg. Dê sữa tại nông trại được nuôi dưỡng theo đúng chế độ bằng nguồn thức ăn phong phú tự nhiên bao gồm: cỏ xanh, cỏ ủ lên men, lá cây, rơm khô, trái cây như chuối, mít thái, bưởi… đều chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, đảm bảo yêu cầu vệ sinh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện, HTX Nông nghiệp Đông Nghi đang mở rộng sản xuất nhằm đưa được sản phẩm đến thị trường Dubai và một số nước khác.

Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Báo Cần Thơ – baocantho.com.vn