Tiền Giang khai thác lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp

Phát huy tính đặc thù của tỉnh nông nghiệp, tỉnh Tiền Giang đã phát huy lợi thế và khai thác khá tốt loại hình du lịch này gắn liền với các hoạt động như: tham quan ngắm cảnh nông thôn, homestay, các làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa cùng cuộc sống người dân nông thôn…

Ông Võ Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết: Loại hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang đã mang lại hiệu quả thiết thực. Mô hình này không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Người dân chủ động tham gia thực hiện các chương trình kế hoạch phát triển du lịch nông thôn như tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để hình thành các tuyến đường nông thôn vừa phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư địa phương vừa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan vườn cây ăn trái.

vna_potal_hieu_qua_tu_mo_hinh_san_xuat_nong_nghiep_gan_voi_du_lich_tai_tien_giang_6895168.jpg
Du khách trải nghiệm hoạt động tự bơi xuồng trên sông trong Nông trại dê sữa du lịch Đông Nghi. Ảnh: Minh Hưng – TTXVN

Để khai thác hiệu quả tiềm năng loại hình du lịch nông nghiệp, trong khuôn khổ Dự án Phát triển du lịch Mê Kông Tiền Giang do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ, từ năm 2005, Tổ chức Phát triển quốc tế của Hà Lan phối hợp với Sở Thương mại Du lịch tỉnh Tiền Giang (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang) triển khai Chương trình du lịch bền vững vì người nghèo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia phát triển du lịch ở địa phương, góp phần giảm nghèo, bảo tồn môi trường văn hóa, đặc biệt góp phần không nhỏ vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, tỉnh hiện có 16 điểm du lịch chính, sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu lao động nông thôn. Những mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn Tiền Giang hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan cùng trải nghiệm của khách du lịch khi đến Tiền Giang.

Ước tính từ đầu năm 2024 đến ngày 25/6, địa phương đón được 850 ngàn lượt khách, tăng 21,1% (đạt 51,5% kế hoạch của năm 2024); trong đó, khách quốc tế đạt 300 ngàn lượt, tăng 60,3% so cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 600 tỉ đồng, tăng 25,3% so cùng kỳ năm 2023.

MediumAVKT6420353.jpg
Du khách trải nghiệm đi xuồng ba lá trên các kênh rạch tại Cù lao Thới Sơn. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Một trong những minh chứng sinh động cho việc đầu tư, khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp của người dân ở cù lao Thới Sơn (thuộc ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là điển hình về phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Trước đây, người dân cù lao Thới Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, cùng với trồng cây ăn trái luân canh. Để khai thác tiềm năng du lịch, người dân địa phương đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ dân còn làm kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ… phục vụ khách đến Tiền Giang tham quan, du lịch.

Loại hình du lịch này tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy)… Du khách có thể lưu trú ở lại các điểm du lịch của người dân, tham quan các vườn cây ăn trái trĩu quả cũng như tham gia trải nghiệm một số hoạt động sinh hoạt của người dân miệt vườn như bắt cá, lấy mật ong…

Theo ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, các điểm du lịch trên địa bàn huyện đã thu hút khoảng 25.000 lượt khách đến tham quan, du lịch (khách quốc tế 9.215 lượt), tăng 20% so với cùng kỳ 2023. Nhờ hoạt động liên kết khai thác tour du lịch của công ty lữ hành cùng các hộ kinh doanh hoạt động du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện được duy trì, phát triển ổn định, góp phần không nhỏ vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

thoison.jpg
Quang cảnh cù lao Thới Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: An Hiếu-TTXVN

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả và bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời tăng cường quản lý tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào. Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi về vốn, thuế,… để thu hút doanh nghiệp du lịch, hộ nông dân khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

Đối với các doanh nghiệp du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; tổ chức các hoạt động du lịch mang tính trách nhiệm cao; quan tâm đến quyền lợi người nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp cùng nông dân.

Đối với nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương…

Trong những tháng đầu năm 2004, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lớp tập huấn xây dựng du lịch cộng đồng năm 2024 với 30 học viên tham dự. Trong chương trình tập huấn, các học viên được trang bị những kiến thức về du lịch nông thôn và xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, để tiếp tục khai thác tốt loại hình du lịch này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới.

Hữu Chí

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – TTXVN – dantocmiennui.vn