Tiềm năng và xu hướng phát triển du lịch nông nghiệp ở Đắk Nông

Nông nghiệp là tiềm năng, nội lực để phát triển du lịch bền vững của Đắk Nông. Trên cơ sở đó, tỉnh đã đề ra những mục tiêu phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp.

Phát biểu tại Hội nghị tuyên dương HTX điển hình tiên tiến diễn ra hồi tháng 9 vừa qua, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh: “Du lịch là 1 trong 3 trụ cột phát triển kinh tế của Đắk Nông. Du lịch của Đắk Nông khác hoàn toàn so với các tỉnh, thành phố khác. Du lịch của chúng ta đã và đang hướng tới du lịch nông trại, du lịch sinh thái, nhà vườn và đây là tiềm năng của tỉnh”.


Krông Nô có vùng lúa Buôn Choáh ứng dụng dụng nông nghiệp công nghệ cao được đánh giá là tiềm năng phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch

Khai thác những giá trị về nông nghiệp, phương thức sản xuất nông sản sạch để phát triển du lịch ngày càng được Đắk Nông chú trọng. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh đánh giá là chủ lực để làm du lịch.

Đến nay, Đắk Nông đã thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 120 ha; công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 2.423,17 ha.

Box: Đắk Song có vùng hồ tiêu công nghệ cao Thuận Hạnh trên 1.133 ha; vùng hồ tiêu công nghệ cao Thuận Hà trên 416 ha. Đắk Mil có vùng cà phê Thuận An 335 ha. Các huyện này đang đầu tư vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển du lịch.


Du khách tham quan vườn ca cao của HTX Du lịch nông nghiệp Cao Nguyên M’nông

Bà Lê Thị Hồng An, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại- Dịch vụ – Du lịch Nâm Blang (Krông Nô) cho biết: Đắk Nông có đất đai màu mỡ, hệ thống sông suối, hồ đập đa dạng, tạo nên khí hậu ôn hòa, mát mẻ.

Những tiềm năng, thế mạnh trên tạo điều kiện cho Đắk Nông thích hợp với rất nhiều loại hoa trái. Đây là điều kiện tốt phát triển du lịch nông nghiệp.


Một điểm du lịch ở Gia Nghĩa thu hút được nhiều du khách tham quan

HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) có vùng sản xuất 250 ha cà phê theo hướng hữu cơ được phát triển theo mô hình cảnh quan kết hợp du lịch.

Ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông cho biết: Du lịch trải nghiệm đem lại cảm giác mới cho du khách khi đến TP. Gia Nghĩa. Du khách thích thú khi trải nghiệm vườn cà phê, nhất là mùa hoa cà phê nở rộ cả một vùng rộng lớn và thơm ngát. Chứng kiến nông dân thu hoạch, chế biến cà phê, du khách cảm thấy thú vị.


Krông Nô có vùng lúa Buôn Choáh ứng dụng dụng nông nghiệp công nghệ cao được đánh giá là tiềm năng phát triển du lịch, tạo sản phẩm du lịch

Các sản phẩm chứng nhận OCOP, VietGAP, hữu cơ, sinh học… được Đắk Nông chọn làm quà lưu niệm phục vụ du khách. Gạo Buôn Choáh, Cà phê Enjoy, Cà phê bột Đắk Đam, Cà phê Thanh Thái, Hồ tiêu Hoàng Nguyên, Hạt điều Hồng Đức, Mắc ca Mơ Nông, Ca cao Duy Nghĩa, Trà mãng cầu, Khô bò Đức Tâm…. được các HTX xác định là sản phẩm phục vụ du lịch.

Nhu cầu về du lịch sinh thái, du lịch xanh, du lịch khám phá đang ngày càng phát triển, không chỉ thu hút du khách nội địa mà còn thu hút nhiều khách quốc tế. Thời gian gần đây, Đắk Nông đã kết nối các tour du lịch từ TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Nha Trang..

Bà Lê Thị Hồng An, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Thương mại- Dịch vụ – Du lịch Nâm Blang cho rằng, tỉnh cần mời các chuyên gia tư vấn các giải pháp, quy hoạch về phát triển du lịch bài bản.

Du khách chủ yếu tìm hiểu thông tin các điểm du lịch trên mạng internet. Do đó, Đắk Nông cần tận dụng công nghệ số để nắm bắt cơ hội giới thiệu, quảng bá đưa du lịch Đắk Nông phát triển đột phá.

Thanh Nga

Báo Đắk Nông – baodaknong.vn