Du khách tham gia tour du lịch sinh thái tại Cẩm Thanh
Đây chính là nội dung tour du lịch sinh thái (DLST) mới đang được các đơn vị liên quan đưa vào thử nghiệm tham khảo nhằm hoàn thiện, nhân rộng trong cộng đồng vào cuối năm nay.
Khai thác tiềm năng sinh thái, văn hóa trong cộng đồng
Chương trình tour có thời gian dự kiến một ngày, được thiết kế dựa trên nền tảng sinh thái sẵn có của xã Cẩm Thanh, trong đó các điểm nhấn chính sẽ là vườn rau hữu cơ Thanh Đông – làng lúa – rừng dừa nước – các di tích lịch sử văn hóa.
Và chính cộng đồng, những người dân ở đây sẽ đóng vai trò chủ thể, là người “dẫn chuyện”, hướng dẫn du khách tham quan các giá trị sinh thái – văn hóa ấy. Kết nối khách du lịch để họ từ chỗ là một du khách sẽ là những tình nguyện viên quảng bá sản phẩm của cộng đồng nơi đây một cách hiệu quả.
Trong một tour thử nghiệm với nội dung được thiết kế là du lịch kết hợp học tập làm nông nghiệp sạch, du khách theo chủ nhân vườn rau hữu cơ Thanh Đông cùng đạp xe vào làng, băng qua những cánh đồng xanh đến tham quan và nghe chính người dẫn đường kể chuyện lịch sử gắn với di tích lăng Trà Quân, thăm giếng Chăm và miếu tổ nghệ Yến Thanh Châu. Du khách sẽ tiếp tục hành trình trên những chiếc thúng chai qua sông để vào rừng dừa nước và về vườn rau hữu cơ Thanh Đông. Tại đây du khách sẽ được xem và được chính những chủ nhân vườn rau hướng dẫn cách trồng rau, gắn kết sinh thái, thưởng thức ẩm thực được chế biến từ rau và do chính những người dân quê làm đầu bếp.
Điều thú vị hơn nữa là chính nông dân sẽ kể cho du khách nghe chuyện cộng đồng nơi đây tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như bảo tồn dừa nước, nói không với túi ni lông, ống hút nhựa và cùng mời du khách tham gia vào các hoạt động này.
Những nội lực này sẽ được lồng ghép để thiết kế nên một tour DLST, dựa trên nền tảng nông nghiệp, bảo vệ được tính đa dạng của vùng quê này.
Ông Lê Nhương, một nông dân ở Cẩm Thanh tham gia nhóm cộng đồng thực hiện dự án tour DLST chia sẻ, mô hình này không chỉ đem lại thu nhập, lợi ích cho địa phương mà bản thân mỗi người dân cũng có thu nhập tăng thêm nhờ làm dịch vụ, sản xuất nông nghiệp cũng có lợi nhuận hơn. Qua đó cũng khuyến khích người dân gắn bó với đồng ruộng, giữ gìn môi trường để làm mô hình nông nghiệp sạch.
Tuy chỉ mới ở những bước thử nghiệm khởi đầu, nhưng tour DLST mới này nhận được nhiều ủng hộ, khen ngợi từ các doanh nghiệp lữ hành, du khách. Tại các buổi hội thảo, tham vấn ý kiến cộng đồng, triển khai thí điểm, hầu hết các ý kiến đều ủng hộ tour du lịch này. Các doanh nghiệp tin tưởng rằng chính cộng đồng, nông dân ở đây sẽ là người dẫn dắt, kết nối những nếp sinh hoạt, sản xuất hằng ngày, kết hợp với những câu chuyện về văn hóa, lịch sử ghi dấu nơi các di tích và những cảnh đẹp hữu tình của sông nước nơi đây thành một câu chuyện du lịch hấp dẫn, lôi cuốn du khách một cách tự nhiên và chân thành nhất.
Du lịch kết hợp bảo tồn tài nguyên sinh thái
Theo ông Nguyễn Hùng Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh, trong 6 tháng đầu năm 2018, địa phương đón gần 450 nghìn lượt khách du lịch, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, thực tế các tour du lịch tại Cẩm Thanh hiện nay đều tự phát, do doanh nghiệp kinh doanh tự xây dựng, đưa khách đến và tự thực hiện trọn gói từ đưa đón, tham quan, ăn uống. Chương trình tham quan chủ yếu cũng chỉ là tham quan rừng dừa Bảy Mẫu, lắc thúng chai, ẩm thực… Cộng đồng ở đây ít được hưởng lợi từ các sản phẩm trên, tính kết nối với cộng đồng còn rời rạc nên đối với du khách khi đến tham quan cũng không có nhiều ấn tượng. Thậm chí, thời gian qua, chính quyền đã phải vào cuộc để chấn chỉnh tình trạng kinh doanh du lịch bát nháo, gây ồn ào, ô nhiễm tiếng ồn tại nơi đây.
Bà Trần Thị Hồng Thúy, Phó trưởng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (BQL Khu DTSQTG) cho biết, lượng du khách đến Cẩm Thanh rất đông cũng gây áp lực đến tính bền vững và bảo tồn của vùng đệm Khu DTSQTG. Trên cơ sở đề xuất của BQL, Bộ KH&CN đã hỗ trợ BQL một đề tài xây dựng mô hình sinh thái đúng nghĩa trên cơ sở phát triển hài hòa, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại Cẩm Thanh. Qua đó, giúp người dân có việc làm ổn định, du lịch Cẩm Thanh phát triển mà không ảnh hưởng đến tự nhiên, môi trường sinh thái. Đồng thời kêu gọi du khách, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, kinh doanh dịch vụ sẽ tham gia mô hình du lịch trách nhiệm, cùng người dân gìn giữ môi trường, bảo tồn tài nguyên dừa nước, các di tích lịch sử văn hóa.
PGS.TS Uông Đình Khanh, Phó Viện trưởng Viện Địa lý cho rằng, các tuyến DLST này được thiết kế trên nền tảng những giá trị sinh thái, văn hóa lịch sử của địa phương. Mục tiêu cụ thể hướng đến là đưa được khách đến tham quan, tham gia những mô hình bảo tồn tài nguyên sinh thái do chính cộng đồng nơi đây thực hiện như bảo tồn và sử dụng bền vững rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng; bảo tồn cua đá Cù Lao Chàm dựa vào tổ cộng đồng. Qua đó sẽ giúp cộng đồng cư dân địa phương có thêm thu nhập từ chính các mô hình nông nghiệp sinh thái mà họ đang thực hiện, tác động tích cực đến quá trình quản lý, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học của Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An và tạo sinh kế bền vững cho người dân.