Then Tày – Một sản phẩm du lịch cộng đồng đặc sắc ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh)

Nghệ thuật diễn xướng dân gian hát then không những hay bởi điệu hát, bởi tiếng đàn mà nó còn hấp dẫn bởi những giá trị nghệ thuật vô cùng đặc sắc và sự tích hợp của giá trị tâm linh cần được nghiên cứu tạo thành một sản phẩm du lịch có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hát then đàn tính của người Tày Bình Liêu được quảng bá trên phim truyền hình.
Hát then đàn tính của người Tày Bình Liêu được quảng bá trên phim truyền hình “Bình minh đang lên” do Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh sản xuất năm 2023

Tại hội thảo “Bảo tồn và phát huy diễn xướng then trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh” do huyện Bình Liêu phối hợp với Viện Việt Nam học và khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tháng 5/2024, Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, cho rằng: Then của người Tày không những đặc sắc bởi then nghi lễ mà còn có sự xuất hiện của then văn nghệ, làm cho then có thêm diện mạo mới, tạo nên những thú vị trong then. Then được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc để dễ thực hành trong cuộc sống và biểu diễn trên sân khấu. Nội dung phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi. Then văn nghệ được sử dụng để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức, để giao lưu giữa các địa phương. Và hình thức then này có tính khả thi trong khai thác biểu diễn nghệ thuật trong du lịch cộng đồng.

Một sản phẩm văn hóa có thể khai thác được cho hoạt động du lịch cần quan tâm đến các yếu tố như tính đặc trưng và tính mở. Tính mở thể hiện ở khả năng có thể điều chỉnh của các sản phẩm. Then Tày khi đưa vào khai thác cho hoạt động du lịch bên cạnh việc duy trì các giá trị cốt lõi của mình phải có khả năng thay đổi và thích nghi với hoàn cảnh cụ thể (như việc thay đổi không gian biểu diễn hay điều chỉnh cách tổ chức hoạt động biểu diễn…).

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, đối với nghệ thuật then Tày, sau khi đã xác định có khả năng xây dựng thành một sản phẩm du lịch thì một công việc quan trọng là tiến hành xây dựng một chương trình dài hạn để quản lý một cách toàn diện quá trình khai thác cho hoạt động du lịch. Công việc này cần được tiến hành một cách cẩn trọng nhằm đảm bảo cho việc đưa các sản phẩm văn hóa đến với du khách được thực hiện một cách bền vững và có hiệu quả cao. Các chương trình này cần tính đến xu hướng tiêu dùng của thị trường, những tác động của hoạt động du lịch tới sản phẩm văn hóa, các hoạt động quản lý và nguồn lực cần thiết để khai thác cũng như hiệu quả kinh tế – xã hội tổng hợp của quá trình khai thác… Ngay từ trong quá trình lên kế hoạch xây dựng sản phẩm du lịch, cần tính toán đến cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch đối với du lịch cộng đồng, hệ thống nhà văn hóa, các nhà cộng đồng, các không gian biểu diễn nghệ thuật. Để khai thác sản phẩm du lịch then Tày hiệu quả, cần đưa sản phẩm này vào các tuyến du lịch chính, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa, du lịch biên giới.

Việc đào tạo và phát triển nhân lực trình diễn hát then là khâu then chốt trong quy trình xây dựng sản phẩm du lịch. Tại Bình Liêu, hiện nay có các Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú, Hoàng Thiêm Thành, Hoàng Thị Viên và các Nghệ sĩ Vùng mỏ Hà Thị Ngọc, Đặng Văn Sàu, Chu Văn Thủng từng giảng dạy hát then cho hàng trăm học viên người Tày ở các câu lạc bộ. Nguồn nhân lực này cần được trang bị những kiến thức về du lịch và văn hóa. Trong thực tế, các câu lạc bộ văn nghệ đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị hát then truyền thống.

Hát then dưới mái đình Lục Nà, xã Lục Hồn huyện Bình Liêu.
Hát then dưới mái đình Lục Nà, xã Lục Hồn huyện Bình Liêu

Ở cấp độ vĩ mô hơn, các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống cần tiếp tục hoàn thiện chính sách phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Từ đó, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để lan tỏa rộng rãi trong nhân dân ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đồng thời thông qua hoạt động du lịch văn hóa để tạo nguồn lực quay trở lại đầu tư, tu bổ các di sản văn hóa.

Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tư liệu hóa, ghi âm, sưu tầm tài liệu về nghệ thuật hát then, đưa cộng đồng chủ động tham gia vào các hoạt động du lịch. Cùng với đó là xây dựng thêm cơ chế, chính sách khuyến khích nghệ nhân hát then tiếp tục đầu tư trí tuệ, tâm sức vào truyền dạy vốn di sản cho lớp trẻ. Việc tập trung nghiên cứu và tạo ra những sản phẩm du lịch từ nghệ thuật then sẽ giúp phát triển du lịch và đạt được những mục tiêu của du lịch cộng đồng mang nét đặc trưng, có sức cạnh tranh cao là một trong những yếu tố cốt lõi thu hút du khách.

Huỳnh Đăng
Báo Quảng Ninh – baoquangninh.vn