Lãnh đạo UBND xã Phúc Trìu (TP. Thái Nguyên) tham quan mô hình chè kết hợp dịch vụ du lịch trải nghiệm của gia đình anh Ngô Trung Thái, ở xóm Khuôn |
Trong số những giải pháp, xã Phúc Trìu tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao vào trồng, thay thế diện tích đã già cỗi. Đơn cử như các giống chè: LDP1, TRI777, Kim Tuyên… Địa phương cũng tăng cường phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố triển khai các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật; chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể ủy thác với ngân hàng cho người dân vay vốn phát triển kinh tế…
Đến nay, hầu hết diện tích chè trên địa bàn xã Phúc Trìu đều sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, như: VietGAP, hữu cơ. Toàn bộ quy trình từ trồng, chăm sóc, chế biến, đóng gói… được người dân ghi chép, kiểm soát cẩn trọng. Chính vì vậy, giá trị sản phẩm chè trên địa bàn ngày càng nâng cao, đạt từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng/kg chè búp khô.
Hợp tác xã (HTX) chè Thủy Thuật, ở xóm Phúc Thành, xã Phúc Trìu, là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, với diện tích 5ha. Chị Phạm Thị Thủy, Giám đốc HTX, cho biết: Theo quy trình hữu cơ thì năng suất chỉ tương đương với sản xuất thông thường, nhưng chất lượng sản phẩm được nâng lên nhiều; khách hàng vì thế mà tin tưởng lựa chọn. Ngoài ra, với 3 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 và 4 sao, HTX lại “lấy thêm” được niềm tin của người tiêu dùng. Tính bình quân mỗi tháng, HTX xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn chè búp khô, doanh thu 600-700 triệu đồng, tăng 20% so với sản xuất chè thông thường trước đây.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, Phúc Trìu cũng từng bước định hướng, hướng dẫn người dân tạo sự liên kết chuỗi trong trồng, sản xuất, chế biến; từng bước gắn cây chè với phát triển du lịch. Hiện nay, có trên 10 doanh nghiệp, đơn vị, HTX trong và ngoài địa bàn đã liên kết với các hộ dân để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhiều hộ cũng hình thành ý tưởng xây dựng mô hình “du lịch trải nghiệm” nhằm quảng bá sản phẩm chè của địa phương.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBDN xã, cho biết: Phúc Trìu có địa hình bán sơn địa, nhiều đồi núi liền kề, các nương chè xanh mướt – là điều kiện lý tưởng để thúc đẩy du lịch. Trên cơ sở định hướng của cấp ủy, chính quyền, mô hình kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng đã được người dân, các tổ hợp tác, HTX hưởng ứng tích cực. Đặc biệt là các đơn vị đang liên kết bao tiêu sản phẩm, như: HTX Hương Vân Trà; HTX trà Sơn Dung…
Gia đình anh Ngô Trung Thái ở xóm Khuôn có truyền thống hơn 20 năm làm chè. Toàn bộ diện tích trên 10.000m2 chè (chủ yếu là chè cành) đã được anh quy hoạch vườn đồi theo hướng gắn với du lịch trải nghiệm, thu hút du khách thập phương đến tham quan.
Anh Thái cho biết: Tôi tính toán trồng chè theo đúng quy hoạch, dự kiến xây dựng đường đi vòng quanh nương chè, có chỗ dừng chân để du khách thưởng trà, trải nghiệm kỹ thuật thu hái, chăm sóc, sao sấy chè. Hiện, kế hoạch của tôi đã hoàn thành khoảng 70%, dự kiến trong 1-2 năm nữa sẽ hoàn thiện toàn bộ các tuyến đường quanh nương chè.
Với sự quan tâm đặc biệt và triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy phát triển cây trồng chủ lực nên đời sống của người dân trên địa bàn xã Phúc Trìu ngày càng nâng lên. Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tăng 15 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 0,45%, hộ cận nghèo còn 2,55%; giá trị thu nhập từ sản phẩm chè đạt 550 triệu đồng/ha/năm…
Chung An
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn