Du khách tham quan vườn na rải vụ của HTX Nông lâm nghiệp Phú Thượng |
Dịp cuối năm, đến với xã Cúc Đường, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vườn cam, quýt trĩu qủa, đẹp mắt canh tác theo quy trình hữu cơ nằm giữa vùng rừng trồng xanh mát. Đây là trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi của anh Vũ Văn Dương – một nông dân nhiều kinh nghiệm trồng cây ăn quả và gắn bó với quả na đặc sản của vùng đất La Hiên gần 30 năm.
Với kỳ vọng khôi phục danh tiếng vùng trồng cam, quýt nức tiếng một thời ở Cúc Đường, anh Dương đầu tư hàng tỷ đồng phát triển những cây ăn quả này. Anh tận dụng phân chuồng của các hộ chăn nuôi trong vùng đem về ủ hoai mục để bón cho cây giúp tiết tiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm, đồng thời bảo đảm sản phẩm của trang trại phù hợp với tiêu chuẩn hữu cơ, thu hút người tiêu dùng.
Hai năm nay, vườn cây ăn quả của gia đình anh Dương cho thu hoạch gần 20 tấn/năm. Vào mùa thu hoạch, anh mở cửa đón tiếp khách tham quan, đồng thời bán hoa quả vườn nhà cho khách thưởng thức
Anh Dương chia sẻ: Sản phẩm của chúng tôi cơ bản bán buôn cho thương lái, nếu khách tham quan mua lẻ, tôi bán với giá cao hơn 30% và tôi tin tưởng hướng đi này sẽ giúp nâng cao thu nhập. Mặc dù mới có vài trăm du khách thăm vườn cây trong vụ thu hái năm 2021, 2022, nhưng tôi hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều người biết và tìm đến trang trại.
Ông Hoàng Quốc Anh, Chủ tịch UBND xã Cúc Đường, cho biết: Hiện chúng tôi đang xây dựng sản phẩm cam, quýt làm sản phẩm OCOP của xã. Với đề nghị của anh Dương, chúng tôi cũng sẽ xây dựng trang trại này là điểm tham quan cho du khách khi tới Võ Nhai.
Những năm gần đây, nhờ phát triển tốt, cây ăn quả dần trở thành thế mạnh của huyện vùng cao Võ Nhai. Toàn huyện hiện có khoảng 2 nghìn héc-ta cây ăn quả và diện tích đang tiếp tục được mở rộng theo định hướng của tỉnh.
Đặc biệt, với diện tích lên tới gần 1 nghìn héc-ta, na đang trở thành cây đặc sản nổi tiếng của huyện Võ Nhai. Có năng suất, chất lượng cao và phần lớn được trồng ở vùng chân núi đá, cảnh quan hùng vĩ, các vườn na có điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.
Trong đó, xã Phú Thượng là một trong những địa phương có diện tích trồng na lớn nhất của huyện, đây cũng là nơi phát triển mạnh nhất việc trồng cây nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm.
Bà Hoàng Thị Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, cho biết: Những năm gần đây, phát triển cây na, đặc biệt là mô hình trồng na rải vụ kết hợp khai thác du lịch đang được chúng tôi quan tâm. Qua đó, đời sống của bà con được cải thiện đáng kể so với trước đây. Hiện, số hộ nghèo của xã chỉ còn hơn 1%. Xã đang khuyến khích bà con phát triển cây na gắn với du lịch. Chúng tôi đã được tỉnh đầu tư 8,6 tỷ đồng phát triển Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà.
Ông Lành Văn Hữu, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Phú Thượng, chia sẻ: Đi vào hoạt động gần 1 năm, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà đã thu hút trên 4 nghìn lượt khách đến trải nghiệm văn hóa người dân tộc Tày và các sản phẩm nông nghiệp của địa phương, đạt doanh thu trên 600 triệu đồng. Ngoài việc tổ chức điểm bán nông sản, chúng tôi mở tour tham quan vườn na, ổi, nhãn để khách du lịch trải nghiệm.
Với gần 2 nghìn héc-ta cây ăn quả, Võ Nhai có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch trải nghiệm. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Thượng thu hái hồi |
Huyện Võ Nhai hiện có 20 tổ hợp tác, 54 hợp tác xã tập trung phát triển mô hình chuyên canh cây ăn quả, cây chè và chế biến nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao; có 13 làng nghề truyền thống trồng, chế biến chè và 1 làng nghề chế biến đậu phụ.
Với mong muốn tạo sinh kế, giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, huyện đã triển khai Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó chú trọng xây dựng các tour du lịch, thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với đặc trưng về tự nhiên, văn hóa và trải nghiệm, tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản…
Bên cạnh phát triển du lịch gắn với trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả, Võ Nhai cũng đang triển khai hỗ trợ các làng nghề, hợp tác xã trồng, chế biến chè, các hợp tác xã chế biến nông sản… phát triển hình thức du lịch này.
Bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Võ Nhai, cho biết: Võ Nhai đang quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, triển khai chính sách hỗ trợ lĩnh vực du lịch để thu hút du khách, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với các trải nghiệm văn hóa, sản xuất nông nghiệp. Hình thức du lịch này dù mới triển khai nhưng đã có kết quả bước đầu, bà con đã quan tâm đầu tư, tích cực hưởng ứng và hình thành ý thức biết khai thác lợi thế của địa phương…
Năm 2022, du lịch Võ Nhai thu hút gần 116 nghìn lượt khách, tăng gần 10 lần so với năm 2021 và đạt 70% so với năm 2019 – thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra. 9 tháng năm 2023, huyện đón gần 100 nghìn lượt du khách.
Võ Nhai phấn đấu đưa du lịch cơ bản là một ngành kinh tế của huyện và trở thành điểm đến của du lịch Thái Nguyên. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 260 nghìn khách/năm và là vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh với diện tích khoảng 2,5 nghìn héc-ta. |
Hoàng Hưng
Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn