Từ khi được công nhận làng nghề vào năm 2020, cây mai vàng phát triển mạnh ở xã Tân Tây. Đến nay, toàn xã có hơn 400ha mai vàng với gần 300 hộ dân chuyên trồng mai; trung bình mỗi hộ thu về lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/ha/năm.
Để khai thác tiềm năng, giá trị kinh tế của làng nghề, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển Làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030. Trên cơ sở đề án này, huyện Thạnh Hóa đang tập trung xúc tiến đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng để góp phần phát triển du lịch làng mai. Theo đó, UBND huyện phấn đấu đến năm 2025 xây dựng được ít nhất 10 điểm DLNT và đến năm 2030 có ít nhất 20 hộ dân tham gia chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch tại làng nghề như lưu trú, câu cá, làm mai kiểng, đờn ca tài tử, ăn uống, chụp ảnh,…
Đến nay, tại Làng nghề trồng mai xã Tân Tây đã có 2 điểm DLNT được xây dựng và đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, cả 2 điểm du lịch này vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng thêm.
Xã Tân Tây đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn giống mai của địa phương
Với 2ha đất trồng mai vàng, ông Trần Văn Phước (ấp 4, xã Tân Tây) đã xây dựng điểm DLNT kết hợp với karaoke hát với nhau. Hiện gia đình ông Phước tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các khu nhà sàn trên các kênh đào trong vườn mai để tăng số lượng khách có thể tiếp đón cùng một thời điểm.
Ông Phước chia sẻ: “Để chuẩn bị đón khách du lịch trong dịp tết sắp tới, chúng tôi đang tập trung trang trí và xây dựng các cảnh quan đẹp. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng dự định xây dựng thêm một số khu nhà sàn để khách ở xa đến có nơi lưu trú”.
Mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp câu cá giải trí của ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4, xã Tân Tây)
Điểm DLNT thứ 2 ở xã Tân Tây là của gia đình ông Huỳnh Văn Thủy (ấp 4) với tên gọi Ba Thủy Trăm Điều May. Đây là mô hình du lịch kết hợp hài hòa giữa cảnh quan sinh thái thiên nhiên hiện hữu, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các sản phẩm trải nghiệm gắn với khai thác các giá trị tự nhiên, văn hóa cộng đồng, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân trong làng nghề.
Bên cạnh tham quan trải nghiệm, tìm hiểu khu vực làng nghề trồng mai, du khách sẽ có nơi dừng chân khá lý tưởng, thư giãn với hoạt động câu cá, chụp ảnh, văn nghệ và thưởng thức các món ăn đồng quê.
Điểm du lịch nông thôn Ba Thủy Trăm Điều May tại ấp 4, xã Tân Tây
Ông Thủy cho biết: “Tôi đã được tạo điều kiện đi tập huấn về DLNT. Do đó, tôi quyết định đầu tư để thử nghiệm, nếu hoạt động hiệu quả, tôi sẽ mở thêm dịch vụ lưu trú và mở rộng không gian ăn uống”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây – Nguyễn Thanh Hải thông tin: “Định hướng của địa phương là phát triển du lịch gắn với làng nghề trồng mai. Trước tiên là đầu tư hệ thống đường sá, bãi giữ xe kết hợp các điểm dừng chân để trưng bày, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của xã, huyện.
Bên cạnh đó, địa phương cũng dùng 1,4ha đất công để lưu giữ các cây mai giống nhằm bảo tồn giống mai thuần chủng. Ngoài ra, xã đang kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch đường sông để khách du lịch có thể di chuyển đến nhiều vườn mai đẹp nằm trong các con kênh nội đồng mà các phương tiện đường bộ khó có thể di chuyển đến”.
Tuy mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng những điểm DLNT này đã thu hút sự quan tâm tìm đến của khá nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh. Đây là dấu hiệu khả quan, hứa hẹn mang đến nhiều thành công cho người dân Làng nghề trồng mai xã Tân Tây trong thời gian tới./.
Bùi Tùng – Hoàng Tuân
Báo Long An – baolongan.vn