Toàn tỉnh Sơn La hiện có 154 sản phẩm OCOP được công nhận
Toàn tỉnh Sơn La hiện có hơn 200 sản phẩm nông nghiệp lợi thế có giá trị kinh tế và thương mại cao, có thể phát triển thành các sản phẩm OCOP. Đây đều là những sản phẩm mang tính đặc hữu vùng miền của tỉnh, khá phong phú về chủng loại, gồm 5 nhóm chính: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; lưu niệm; dịch vụ, du lịch nông thôn. Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học – kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số.
Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, tỉnh tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo quy định. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm.
Từ năm 2023, tỉnh Sơn La triển khai Bộ tiêu chí Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025. Bộ tiêu chí mới điều chỉnh, bổ sung một số nội dung. Việc đánh giá, phân hạng sản phẩm có sự thay đổi. Các sản phẩm OCCP được thực hiện từ cấp xã, thay là từ cấp huyện như trước đây. Bên cạnh đó, UBND cấp huyện sẽ công nhận các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thay vì cấp tỉnh như trước, giúp các địa phương chủ động lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, tiết kiệm thời gian, chi phí thực hiện cho các chủ thể.
Việc đổi mới cách đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP mang lợi thế, đặc trưng của địa phương. Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 154 sản phẩm OCOP được công nhận, tiêu biểu như sản phẩm: Cà phê bột nguyên chất, Trà vỏ cà phê; Cá Tép dầu; Chè Trọng Nguyên; Mận sấy gừng, mận sấy mật ong, mận sấy thảo dược; Trà Xanh mây; Hồng giòn sấy dẻo; Ống hút tre Bình Mình; Gạo nếp tan Ngọc Chiến; Ống hút, cốc, dao, thìa dĩa tre Gia Phát; Trà Sencha; Ngọc trai Queenpearl; Điểm du lịch Pha Đin tốp; Điểm du lịch cộng đồng Ngọc Chiến… Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 có 204 sản phẩm OCOP được đánh giá và công nhận.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng từ tỉnh đến cấp xã, thôn, bản; gắn kết và lồng ghép với hoạt động tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện Bộ máy vận hành OCOP ở các cấp từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn, tổ chức đoàn công tác đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu biểu trong công tác triển khai chương trình OCOP cho các tổ chức, cá nhân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh.
Lê Hồng
Cổng Thông tin điện tử tỉnh Sơn La – sonla.gov.vn