Hoa mận loài hoa đặc trưng của huyện Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu xứ sở của các loại hoa, nổi bật với loài hoa đặc trưng là hoa mận. Với trên 3.000 ha mận, mùa xuân hoa mận nở trắng núi rừng tạo nên một khung cảnh nên thơ và dịu dàng. Hoa mận Mộc Châu đẹp không chỉ bởi vẻ mong manh, tinh khôi mà còn bởi khi đã nở, hoa sẽ bung ra ồ ạt. Những cây mận đua nhau khoe sắc, những bông mận nhỏ phủ kín cành cây giống như chiếc áo choàng trắng tinh khôi bao phủ cả một vùng, tuyệt đẹp… Ngoài hoa Mận, xuân về muôn loại hoa đua nhau khoe sắc, như: Hoa cải, tam giác mạch, dã quỳ, đào, cúc họa my… ẩn hiện trên những sườn đồi, thung lũng, trong những bản làng, tại nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn như: Rừng thông bản Áng, xã Đông Sang; Happy land, thác Dải Yếm, Mộc Châu Island, xã Mường Sang; thung lũng Nà Ka, thị trấn Nông trường Mộc Châu… Là điểm đến lý tưởng và hấp dẫn dành cho những ai yêu thích khung cảnh thơ mộng của núi rừng Tây Bắc.
Du khách lưu lại hình ảnh với hoa cải trắng Mộc Châu
Đến Mộc Châu vào dịp đầu năm, chị Bùi Thị Hà, du khách đến từ thành phố Đà Nẵng, chia sẻ: Qua báo chí và các trang mạng xã hội, tôi thấy Mộc Châu có nhiều loài hoa đẹp. Gia đình tôi chọn vườn mận hoa nở đầu xuân ở Thung lũng mận Nà Ka, ở đây không gian rất yên bình, cảnh rất đẹp, gia đình chụp được rất nhiều bức ảnh ưng ý.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Mộc Châu luôn chú trọng đa dạng hóa các lợi hình du lịch, nhất là việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, phát triển các loài hoa đặc trưng của cao nguyên Mộc Châu, xứng đáng với danh hiệu Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu Châu Á và thế giới.
Hoa ban loài hoa đặc trưng của Sơn La – Tây Bắc
Nói đến Sơn La, không thể không nhắc tới hoa ban, vào độ tháng 3, khi hoa ban nở trắng trên các sườn núi, cũng là thời điểm nhiều lễ hội được diễn ra như: Lễ hội Hoa ban thành phố Sơn La; Lễ hội Hoa ban huyện Vân Hồ; Lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu… Các lễ hội thể hiện nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La; thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị thần và cầu cho quốc thái dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; khơi dậy tình đoàn kết dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Tại các lễ hội được mở rộng với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc, như: Chương trình nghệ thuật, thi trưng bày không gian trại văn hóa các dân tộc, thi “Người đẹp Hoa Ban”, các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao dân tộc, thi ẩm thực dân tộc; trưng bày, triển lãm sản phẩm văn hóa, du lịch và nông sản của địa phương…, nhằm giới thiệu, quảng bá nét đẹp văn hóa, nông sản đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương đến với du khách gần xa.
Vài năm trở lại đây, Sơn La có được biết đến với Lễ hội Hoa sơn tra huyện Mường La được tổ chức nơi “miền quê cổ tích” Ngọc Chiến. Trong đó, hoạt động được nhiều du khách lựa chọn là trải nghiệm về bản Nậm Nghẹp ngắm hoa sơn tra. Bản Nậm Nghẹp, nằm ở độ cao 2.000 đến 2.500m so với mực nước biển, 100% người dân của bản là đồng bào dân tộc Mông. Nơi đây được ví là thủ phủ của cây sơn tra với tổng diện tích khoảng 1.260 ha. Trong đó, gần 800 ha là cây cổ thụ với tuổi đời từ 300 – 500 năm. Ở Nậm Nghẹp, những cây sơn tra mọc tập trung, nên khi bung nở đồng loạt, chỗ thì giống như dải lụa trắng mềm mại, có chỗ như tấm thảm trắng khổng lồ ôm trọn bản, góc núi, sườn đồi. Mùa hoa sơn tra nở cũng là thời điểm Nậm Nghẹp đón nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Hoa sơn tra tại bản vùng cao Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La
Đồng chí Vũ Đức Thuận, Bí thư Huyện ủy Mường La, nhấn mạnh: Ngày hội là dịp để du khách gần xa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa sơn tra, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Mường La nói chung, xã Ngọc Chiến nói riêng thân thiện, mến khách, tạo cơ hội và điều kiện tốt nhất giúp kết nối mọi người, kết nối cộng đồng, kết nối các công ty, du khách cùng trải nghiệm và tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác các tài nguyên du lịch của huyện Mường La, tỉnh Sơn La và các huyện lân cận trong vùng liên kết với huyện Mường La.
Một loại hoa gắn liền với mùa xuân là hoa đào, cây đào hiện được nhân dân trên địa bàn xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ quan tâm phát triển với diện tích hơn 500 ha. Đối với đồng bào dân tộc Mông xã Lóng Luông, hoa đào không chỉ tượng trưng cho mùa xuân, sự may mắn, đủ đầy mà còn là người bạn gắn bó thân thiết. Cây đào không chỉ mang đến nguồn thu cho bà con từ việc thu hoạch quả, bán cành đào mà còn là địa điểm hấp dẫn lượng khách du lịch đến “check in” lưu giữ những khoảnh khắc đẹp mỗi dịp tết đến, xuân về. Bởi vậy, hằng năm xã Lóng Luông đều tổ chức Ngày hội Hoa đào, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham quan, trải nghiệm.
Sắc thắm hoa đào Lóng Luông, huyện Vân Hồ. Ảnh PV
Cùng với các danh lam, thắng cảnh, các khu du lịch nổi tiếng trên địa bàn, vẻ đẹp của các loài hoa gắn với các lễ hội tạo điểm nhấn thu hút du khách. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm, tỉnh ta đã đón 1,36 triệu lượt khách; trong đó, trên 3.100 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 1.500 tỷ đồng. Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Du lịch sinh thái gắn với trải nghiệm các loại hoa, hay tổ chức các lễ hội gắn với loài hoa đặc trưng của các địa phương là việc làm rất cần thiết để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch Sơn La được nâng lên, điểm đến Sơn La được hình thành nổi bật, được nhiều người biết đến và lựa chọn.
Ngày hội Hoa đào xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ thu hút đông đảo nhân dân và du khách
Luôn đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, độc, lạ, hấp dẫn gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương góp phần làm đa dạng các loại hình du lịch, từng bước đưa Sơn La trở thành điểm đến hấp dẫn trên cung đường du lịch qua miền Tây Bắc.
Việt Anh
Báo Sơn La – baosonla.org.vn