Sơn La: Chương trình OCOP, nâng cao giá trị nông sản

Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo động lực phát triển sản xuất và hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sản phẩm trà Ô long của Công ty TNHH trà Thu Đan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP theo hướng đặc trưng vùng, mang tính sáng tạo của địa phương, huyện đã rà soát các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, tiềm năng của các xã, thị trấn; tư vấn, hướng dẫn các HTX, hộ gia đình thực hiện các thủ tục hồ sơ tham gia chương trình OCOP theo quy định. Năm 2024, huyện đã khảo sát, xác định 8 sản phẩm có thế mạnh và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn các nhóm hộ, tổ sản xuất, HTX xây dựng bao bì sản phẩm, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tại các điểm bán hàng, hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Năm 2024, qua đánh giá có 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, gồm: Ruốc gà đen và gà đen nguyên con hút chân không của HTX nông nghiệp Cha Mạy; bột mắc khén của HTX nông nghiệp Phổng Lập. Có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, gồm: Sản phẩm du lịch của HTX du lịch Pha Đin, trà viên Gaba, trà viên xanh và trà Ô long của Công ty TNHH trà Thu Đan.

Vui mừng khi sản phẩm đạt OCOP 3 sao, ông Lò Văn Hoan, Giám đốc HTX nông nghiệp Phổng Lập, nói: Mắc khén là gia vị đặc trưng, được sử dụng phổ biến trong chế biến món ăn. Hiện nay, xã Phổng Lập có 30 ha cây mắc khén, tập trung ở các bản: Nà Ban, Ta Tú, Nà Khoang, Mầu Thái, Pá Sàng, bản Lập. Việc xây dựng sản phẩm bột mắc khén thành sản phẩm OCOP tạo ra sản phẩm riêng biệt của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Lầu A Lâu, Giám đốc HTX nông nghiệp Cha Mạy, xã Long Hẹ, thông tin: Hiện nay, HTX đang nuôi gần 1.000 con gà đen. Năm 2024, HTX đăng ký sản phẩm gà thịt nguyên con hút chân không và ruốc gà đen đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Quá trình triển khai, HTX đã được hỗ trợ về tem mác, bao bì sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Qua đánh giá của Hội đồng đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP huyện thì cả 2 sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là điều kiện, động lực để HTX tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi, chế biến và tiếp tục xây dựng trứng gà đen là sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP đã giúp khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP huyện, cho biết: Các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP, thứ hạng dán trên bao bì sản phẩm là “tấm vé thông hành” để vào các siêu thị, hệ thống phân phối. Một số sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao trở lên hiện đã tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng. Đây cũng là điều kiện để các HTX, hộ gia đình nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì, đưa sản phẩm OCOP vươn ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, huyện triển khai Dự án “Sản xuất sản phẩm OCOP từ táo sơn tra, gắn với phát triển vùng nguyên liệu, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững cho sản phẩm táo sơn tra” tại xã Long Hẹ. Dự án nhằm đưa cây sơn tra trở thành cây trồng chủ lực; thúc đẩy kết nối du lịch thông qua các hoạt động trải nghiệm, lễ hội hái quả sơn tra và chế biến các sản phẩm từ quả táo sơn tra, như: Trà táo, nước ép táo, táo sơn tra khô, bột táo…

Nâng cao hiệu quả chương trình OCOP, huyện tập trung định hướng, hướng dẫn các HTX, hộ gia đình đa dạng sản phẩm, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao đến 4 sao; quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; tìm kiếm nhà phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị hàng nông sản, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Trần Hiền

Báo Sơn La – Baosonla.vn